Ngư dân đối mặt rủi ro lớn khi không mua bảo hiểm tàu cá

Tỉnh Bình Định hiện có khoảng 70% tàu đánh bắt xa bờ tham gia bảo hiểm tàu cá, còn hơn 1.000 tàu đánh bắt xa bờ không mua bảo hiểm.

Đội tàu đánh bắt xa bờ của Bình Định. Ảnh: Viết Ý/TTXVN

Bình Định có hơn 6.300 tàu cá, trong đó 3.523 tàu công suất lớn trên 90 CV. Năm 2016, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt 2.702 tàu cá đủ điều kiện đăng ký để hưởng chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Bảo hiểm Pjico mới thực hiện bảo hiểm (thân tàu, ngư lưới cụ và thuyền viên) cho 765 tàu với số tiền hơn 32 tỉ đồng.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, có khoảng 70% tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh tham gia bảo hiểm tàu cá (do nhà nước hỗ trợ kinh phí), còn hơn 1.000 tàu đánh bắt xa bờ không mua bảo hiểm. Hầu hết, các tàu khai thác gần bờ không mua bảo hiểm. Ngư dân cho rằng khai thác gần bờ, đi trong ngày nên rủi ro ít, trong khi số tiền đóng bảo hiểm lớn. Những chủ tàu từng mua bảo hiểm cho biết khi xảy ra tai nạn thủ tục thanh toán bảo hiểm rất rườm rà, mất nhiều thời gian.

Mới đây, ba tàu cá của ngư dân xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ đang neo ở đầm Đạm Thủy đã bốc cháy, thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng. Cả ba tàu cá này đều không mua bảo hiểm. Sau khi xảy ra cháy, cả ba chủ tàu đều rơi vào cảnh trắng tay. Ông Võ Liễu (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) sở hữu hai tàu cá công suất lớn nhưng chỉ mua bảo hiểm thuyền viên, không mua bảo hiểm thân tàu.

“Ngư dân đi tới đi lui mà không giải quyết được các thủ tục mua bảo hiểm. Vì vậy, chúng tôi không mua bảo hiểm tàu cá nữa dù biết có nhiều rủi ro”, ông Liễu chia sẻ. Ở xã Mỹ Thành, rất ít ngư dân mua bảo hiểm thân tàu.

Theo ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Pjico Bình Định, nhiều ngư dân không tham gia bảo hiểm bởi tâm lý e ngại thực hiện nhiều thủ tục và họ thường làm theo thói quen.

“Theo quy định, khi xảy ra một vụ tai nạn tàu cá, nếu được bồi thường phải qua rất nhiều thủ tục như thông báo với công ty bảo hiểm và các cơ quan chức năng biên phòng, cảnh sát biển. Trước hết, ngư dân phải thực hiện cứu tài sản, hạn chế thiệt hại. Sau đó, công ty bảo hiểm thuê một công ty độc lập đánh giá mức độ, giá trị thiệt hại. Tiếp đó phải có văn bản diễn biến quá trình tai nạn, phỏng vấn tất cả thuyền viên trên tàu; có xác nhận của biên phòng, cảnh sát biển. Thời gian giải quyết bồi thường tùy thuộc vào từng vụ tai nạn tàu cá, tuy nhiên nhanh nhất cũng mất 3 tháng, có vụ kéo dài hơn một năm”, ông Nam nói.

Các tàu cá từ 90CV trở lên, thuộc diện hỗ trợ theo Nghị định 67 cũng phải thực hiện rất nhiều thủ tục, như có giấy yêu cầu mua bảo hiểm, có đăng ký, đăng kiểm, xác nhận của UBND xã; phải tham gia tổ đội, nghiệp đoàn đánh bắt thủy sản xa bờ và quan trọng là tàu cá đó được UBND tỉnh phê duyệt được hỗ trợ theo Nghị định 67 mới được mua bảo hiểm.

Ông Nam cho rằng, vướng mắc lớn hiện nay là ngư dân làm theo kinh nghiệm, giỏi tay nghề nhưng không có bằng cấp theo quy định khi xảy ra tai nạn không được bồi thường. “Tàu cá bị nạn mà thuyền trưởng, máy trưởng không có bằng cấp đúng quy định, không được chi trả bồi thường tiền bảo hiểm. Hay như ngư dân tham gia bảo hiểm ngư lưới cụ, nếu mất mát, hư hỏng một phần, không được bảo hiểm mà phải tổn thất toàn bộ hoặc chìm tàu mới được xem xét bồi thường. Đây là một trong những trở ngại, vướng mắc mà một số ngư dân không mặn mà tham gia bảo hiểm”, ông Nam cho biết.

Theo Công ty Bảo hiểm Pjico Bình Định, trong năm 2016, đơn vị đã cấp bảo hiểm tàu cá và thuyền viên cho 1.529 tàu cá, chiếm khoảng 60% tổng số tàu khai thác, đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 53 tỉ đồng, trong đó chủ tàu nộp 5,3 tỉ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 47,7 tỉ đồng. Công ty bảo hiểm đang gặp khó khăn lớn, hiện nay ngân sách nhà nước còn nợ phí bảo hiểm năm 2016 của đơn vị 27 tỉ đồng, trong khi đơn vị đã chi trả bồi thường bảo hiểm và chuẩn bị chi trả đã vượt quá tổng doanh thu phí bảo của năm 2016. Đồng thời, số lượng phát sinh tai nạn tàu cá vẫn gia tăng.

Ông Nguyễn Hướng Nam cho biết, sau khi Chính phủ thống nhất kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định 67 đến hết ngày 31/12/2017, ngày 31/3/2017, Bộ Tài chính có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo: Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Chính phủ trong quý 2 năm 2017. Do đó, Công ty bảo hiểm Pjico Bình Định chưa thể tiếp tục thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm tàu cá và thuyền viên theo tinh thần Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Tất cả tàu cá thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 67 ở Bình Định vẫn chưa mua bảo hiểm tàu cá và thuyền viên, sẽ đối mặt với rủi ro lớn nếu có tai nạn xảy ra.

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, thời gian tới, Sở phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền đến từng ngư dân, từng chủ tàu để họ biết được quyền lợi khi tham gia bảo hiểm tàu cá, những rủi ro phải đối mặt, để hạn chế thiệt hại. Sở giao trách nhiệm cho Chi cục Thủy sản làm việc với các công ty bảo hiểm nhằm hỗ trợ, giảm các thủ tục rườm rà, tạo thuận lợi trong quá trình thanh toán để ngư dân tích cực tham gia mua bảo hiểm tàu cá.

Nguyên Linh (TTXVN)
Vụ chìm tàu Hải Thành 26: Chi trả bảo hiểm cho gia đình có thuyền viên gặp nạn
Vụ chìm tàu Hải Thành 26: Chi trả bảo hiểm cho gia đình có thuyền viên gặp nạn

Công ty Bảo hiểm BSH Thanh Hóa (thuộc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội) cho biết: Công ty vừa thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho các gia đình có thuyền viên gặp nạn trong vụ tàu Hải Thành 26-BLC chìm trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra ngày 28/3 ở 2 huyện Nga Sơn và Hoằng Hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN