Theo đó, tỉnh chủ trương đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, coi trọng việc hợp tác liên kết với tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh là 2 địa phương giáp ranh với Nghệ An và cũng đều là những tỉnh có biển.
Tỉnh cơ cấu lại ngành kinh tế biển; chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển; phát triển hiệu quả nuôi trồng, khai thác hải sản, kể cả hạ tầng kỹ thuật, hậu cần nghề cá; cải tạo, nâng cấp, xây dựng cảng biển Cửa Lò, cảng biển Đông Hồi để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển theo hướng hấp dẫn các nhà đầu tư; giải quyết tốt các vấn đề môi trường, xã hội ở các địa phương ven biển.
Riêng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh Nghệ An sẽ đẩy mạnh theo hướng đầu tư thâm canh, ứng dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ, đưa vào sản xuất các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi từ cung ứng giống đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh cũng tiến hành cơ cấu lại ngành khai thác hải sản theo hướng giảm dần, ổn định sản lượng khai thác thủy sản gần bờ, phát triển khai thác hải sản xa bờ, nâng cao công suất và số lượng tàu cá đảm bảo đánh bắt vươn khơi, dài ngày, xa bờ.
Tại Nghệ An, kinh tế biển đang dần chuyển dịch đúng hướng, trở thành động lực phát triển kinh tế của toàn tỉnh. Kinh tế vùng biển và ven biển đóng góp khoảng 56% GRDP của tỉnh; trong đó, giá trị tăng thêm bình quân đầu người vùng biển và ven biển cao gấp 1,27 lần so với bình quân toàn tỉnh.
Tại một số địa phương ven biển trong tỉnh, nhiều ngành đã có bước phát triển khá, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và các làng nghề ở các địa phương ven biển; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn... Tỉnh cũng đã hình thành được các khu du lịch lớn ở các địa phương ven biển (như du lịch biển Cửa Lò, Diễn Thành, biển Quỳnh, Bãi Lữ, Vinpearl Cửa Hội), các cảng nước sâu Cửa Lò, cảng xăng dầu DKC, cảng Vissai Nghi Thiết cũng được xây dựng, đưa vào sử dụng...
Hiện nay, việc phát triển kinh tế biển tại Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nguyên do là vì nguồn lực của địa phương đầu tư cho phát triển kinh tế biển còn hạn chế; địa phương thiếu vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật để triển khai các mô hình phát triển kinh tế biển bền vững. Mặt khác, việc thu hút các dự án đầu tư vào các địa phương ven biển còn hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng của địa phương.