Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển khá, là trung tâm công nghiệp tôm cả nước; là trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí) và là trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến năm 2045, Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển và làm giàu từ biển, phát triển bền vững, toàn diện kinh tế biển theo hướng hiện đại gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh;…phát triển du lịch cao cấp tại các đảo nhỏ ven biển trong vùng và khu vực; đưa kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Dương Thành Trung, tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; tạo thương hiệu sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh cao và giá trị lớn; gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung phát triển các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể; xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn đồng thời phát triển ổn định bền vững mô hình nuôi tôm sạch (tôm - rừng).
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề hợp lý khai thác vùng lộng; tăng năng lực khai thác vùng khơi, ứng dụng công nghệ cao, phát triển số lượng tàu có công suất lớn, đánh bắt dài ngày và hoạt động trên các vùng biển sâu, biển xa; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, từng bước đưa huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển.
Mặt khác, hướng dẫn chuyển đổi nghề, tạo sinh kế thay thế một số nghề khai thác thủy sản vùng biển ven bờ; giảm áp lực, tạo nghề mới ổn định, nâng cao mức sống ngư dân và nâng cao trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản môi trường sinh thái…
Cùng với đó, Bạc Liêu thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch, resort cao cấp, đặc thù văn hóa sinh thái, ẩm thực địa phương, đặc biệt là các khu, điểm du lịch ven biển gắn với rừng, khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, các dự án điện gió dọc bờ biển.
Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng phát triển hạ tầng du lịch vườn nhãn để hình thành tuyến du lịch như nhà Công tử Bạc Liêu - Vườn Chim Bạc Liêu - Quán Âm Phật đài - Nhà máy điện gió - chùa Xiêm Cán - Giồng Nhãn; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng tuyến du lịch Bạc Liêu - Hòn Trứng - Côn Đảo.
Ngoài ra, tỉnh ưu tiên các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí và điện sinh khối, phấn đấu đến cuối năm 2025, Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia với tổng công suất của các nguồn điện đạt khoảng hơn 3.000MW.
Hơn nữa, tăng cường đào tạo để bổ sung cho đội ngũ quản lý nhà nước về kinh tế biển cũng như bố trí nguồn vốn để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển theo thực tế phát sinh phù hợp trong phạm vi ngân sách hàng năm.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh tập trung đầu tư phát triển đường thủy nội địa và cảng nước sâu kết nối với cảng Hòn Khoai, Năm Căn, Trần Đề, các khu kinh tế biển của khu vực miền Nam, hình thành trung chuyển trong và ngoài nước; khuyến khích đầu tư xây dựng cảng biển Gành Hào; đường Cao Văn Lầu; đường Giá Rai - Gành Hào; đường Giồng Nhãn - Gò Cát; đường Xóm Lung - Cái Cùng…
Quan tâm thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối liên vùng như đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; nâng cấp đường Quản lộ - Phụng Hiệp; đường Nam sông Hậu…