Kiên Giang: Ngành nuôi trồng thủy sản chủ động ứng phó với mùa mưa bão

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã kịp thời cung cấp thông tin và đưa ra khuyến cáo để người dân nắm rõ, chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi biển ở Bãi Nam, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ nay đến cuối năm có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai như: Mưa, dông lốc, bão, lũ, thời tiết thay đổi cực đoan… gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, ngành chức năng tỉnh kịp thời cung cấp thông tin diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh để người dân nắm rõ, chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, nhất là nuôi tôm nước lợ, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, các đơn vị chức năng liên quan bố trí nguồn lực, triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó hiệu quả với mưa bão, lũ; tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc thủy sản nuôi, quản lý môi trường ao nuôi, xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra; nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi, đảm bảo việc vận hành các cống thủy lợi ngăn mặn, chủ động cấp và điều tiết nước ở các vùng nuôi thủy sản để phục vụ sản xuất đạt hiệu quả.

Tiếp đến, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo doanh nghiệp và hộ nuôi tôm thả giống theo lịch thời vụ, thiết kế hệ thống ao, ruộng nuôi hoàn chỉnh đảm bảo điều kiện theo quy định; ương vèo tôm giống trước khi thả ra ao nuôi đại trà; khuyến cáo hộ dân và doanh nghiệp thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, môi trường và cảnh báo dịch bệnh để kịp thời ứng phó khi có tình huống bất lợi xảy ra. Doanh nghiệp, hộ dân chủ động áp dụng công nghệ nuôi mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất vụ nuôi và chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cùng với đó, sau khi xuất hiện mưa bão, hướng dẫn hộ nuôi tôm xả bớt nước tầng mặt, giảm lượng nước trong ao, chạy quạt nước, sụt khí hạn chế phân tầng trong ao nuôi thâm canh. Đồng thời, bổ sung Vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước.

Đối với nuôi cá lồng bè trên biển, ngành chức năng phối hợp với các địa phương hướng dẫn hộ dân kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng, vệ sinh lồng bè thông thoáng và khi cần thiết, di chuyển lồng bè cá nuôi vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp; khuyến cáo, hướng dẫn hộ nuôi cá chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, vật liệu, máy móc, trang thiết bị, lưới cụ phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả của thiên tai, hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài, đảm bảo an toàn khi mùa mưa bão đến.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản thả nuôi của tỉnh hơn 267.650 ha, đạt 91,8% kế hoạch, ước sản lượng thu hoạch 133.518 tấn, đạt 43% kế hoạch. Một số đối tượng chính như: Cá các loại 31.343 tấn, tôm nuôi hơn 50.000 tấn và thủy sản khác.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Khánh Hòa điều chỉnh khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển
Khánh Hòa điều chỉnh khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành văn bản hướng dẫn xác định các khu vực biển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN