Tận dụng tiềm năng, lợi thế của một tỉnh ven biển, nhiều hệ thống đầm, vịnh, ao, đìa ven bờ, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi biển với đa chủng loại hải sản đặc trưng có giá trị kinh tế cao.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, những năm trước, nghề nuôi trồng thủy sản trên biển (vùng lộng, vùng gần bờ) ở Ninh Thuận chưa được chú trọng, có chăng cũng chỉ lác đác một số bè nuôi ở vùng gần bờ thuộc khu vực biển phường Đông Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) hoặc khu vực vùng biển Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) với quy mô nhỏ và cách nuôi đơn thuần, chưa đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của thị trường, chưa mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.
Thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung phát triển nghề nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất, phát triển công nghệ nuôi, thu hoạch, chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm nuôi biển chất lượng cao. Từ đó, góp phần làm gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Tỉnh Ninh Thuận đã quy hoạch vùng nuôi trồng, dự kiến phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 2.252 ha. Trong đó, khu vực nuôi trồng thủy sản biển chuyên canh có diện tích trên 957 ha và khu vực phát triển điện gió kết hợp với nuôi trồng thủy sản biển gần 1.300 ha. UBND tỉnh Ninh Thuận đã trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng nuôi thủy sản của tỉnh. Sau khi được phê duyệt, tỉnh sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, ban hành kế hoạch thu hút các nhà đầu tư vào khai thác nuôi biển ở khu vực này.
Không chỉ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, tại các đầm, vịnh, việc nuôi trồng cũng khá phát triển. Tại Đầm Nại, người dân còn kết hợp giữa nuôi biển với phát triển du lịch, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho lao động vùng biển, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân vùng biển.
Ông Đặng văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 222 bè/3.562 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, được nuôi tập trung tại các khu vực Mỹ Tân (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải), khu vực Cà Ná (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam) và khu vực C1, C2 với tượng nuôi là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Từ đầu năm đến nay, sản lượng thu hoạch tôm hùm thương phẩm đạt 45 tấn, ước tổng sản lượng thu hoạch 50 tấn, ước đạt trên 50% kế hoạch và tăng 2% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tỉnh hiện cũng có khoảng 800 lồng với 50 hộ nuôi các đối tượng cá biển như cá bớp, cá chim, cá mú... Cá được nuôi xen kẻ trong các bè nuôi tôm hùm tại khu vực Mỹ Tân, khu vực C1, C2 hoặc chuyên nuôi tại khu vực Cà Ná. Ước sản lượng cá thu hoạch đến nay khoảng 300 tấn. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ cá biển như cá bớp, cá mú, cá chim tăng, giá bán cao nên hầu hết người nuôi đều có lãi.
Ngoài ra, các đối tượng nuôi khác như hàu, cua, ghẹ chủ yếu được nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến (nuôi cắm cọc và nuôi lồng bè) với nguồn giống chủ yếu được thu gom từ tự nhiên. Hiện tại Đầm Nại có khoảng 145 hộ đang nuôi hàu bằng hình thức nuôi lồng bè. Sản lượng hàu, cua, ghẹ được thu hoạch đến nay ước khoảng là 1.650 tấn, ước đạt trên 103% kế hoạch và tăng 19,6% với cùng kỳ 2022.
Ông Đặng Văn Tín chia sẻ, đối với hoạt động nuôi biển, ngành Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cũng tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi dần từ nuôi lồng bè gần bờ sang nuôi công nghiệp xa bờ với hệ thống lồng bè có kết cấu, chất liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được độ mặn, biến động thời tiết sóng gió lớn, bão; trong đó ứng dụng công nghệ nuôi biển công nghiệp theo kiểu của Na Uy. Đây là một trong những lựa chọn tối ưu để phát triển nuôi biển này.
Tại chuyến khảo sát thực tế về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển ở huyện Ninh Hải mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam bày tỏ, tỉnh đang tập trung phát triển nghề nuôi biển theo hướng bền vững, trọng tâm là các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá bớp, cá mú, cá chim, hàu, cua, ghẹ, ốc hương, tùm hùm…. Qua đó, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, mà còn góp phần làm giảm áp lực khai thác nguồn hải sản ven bờ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Trần Quốc Nam cho biết, hiện nay đã có không ít các doanh nghiệp triển khai một số dự án tại khu vực nuôi trồng thủy sản và đã thành công bước đầu. Các doanh nghiệp này rất mong muốn sau khi có quy hoạch, tỉnh hoàn tất các thủ tục pháp lý để có điều kiện thuận lợi triển khai mở rộng dự án. Điều này đúng với xu hướng và mong muốn của tỉnh và của nhân dân. Trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp sẽ liên kết, hỗ trợ người nuôi biển chuyển từ cách nuôi truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng để nâng cao chất lượng, sản lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.
Để phát triển nghề nuôi biển một cách bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam giao cho các sở, ngành liên quan và huyện vùng biển Ninh Hải tiếp tục rà soát số lượng hộ nuôi, đối tượng nuôi, diện tích nuôi và đặc biệt là vấn đề kiểm soát môi trường vùng nuôi. Cùng đó, kiên quyết không để người dân mở rộng lồng bè nuôi tự phát, nuôi theo vùng đã được quy hoạch, tăng cường kiểm soát, không gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi, làm ảnh hưởng đến môi trường biển phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực khác.