Phát triển nuôi trồng thủy sản nơi cù lao nhiễm mặn hạ lưu sông Tiền

Tân Phú Đông là huyện cù lao, nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại trên sông Tiền, tiếp giáp với biển Đông, chiều dài bờ biển 12 km, Tân Phú Đông có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. 

Chú thích ảnh
Nuôi tôm thâm canh ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang)

Qua rà soát, địa phương đã quy hoạch gần 5.000 ha dành cho nuôi trồng thủy sản, chiếm gần 40% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn huyện. Trong đó, nông dân đã đưa vào nuôi trồng trên diện tích gần 4.300 ha, cho sản lượng hàng năm khoảng 30.000 tấn thủy sản tiêu dùng và xuất khẩu.
 
Định hướng chiến lược của huyện là phát triển nuôi thủy sản xuất khẩu bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Từ đó giúp nông dân những địa bàn khó khăn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và đổi mới nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
 
Đa dạng các mô hình
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn kinh tế, tạo đột phá trong giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới địa bàn ven biển khó khăn, huyện Tân Phú Đông quan tâm quy hoạch vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ giúp nông dân nuôi đạt năng suất, sản lượng cao, xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại nguồn thu nhập cho bà con…
 
Xã Phú Tân nằm giáp biển Đông đã được xác định là xã chuyên về ngư nghiệp, chủ yếu nuôi thủy sản xuất khẩu với tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản lên đến trên 3.000 ha.
 
Ngoài đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ, cua biển, nghêu…Gần đây, nông dân ven biển Tân Phú Đông còn đưa thêm nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu vào cơ cấu nuôi trồng: cá chẽm, cá chim vây vàng, cá đối, tôm càng xanh toàn đực,..đưa nơi đây trở thành một trong những vùng nuôi thủy sản nước mặn, lợ trọng điểm của tỉnh Tiền Giang.
 
Đồng thời, địa phương cũng đang phát triển nhiều mô hình nuôi hiệu quả, phù hợp đặc thù huyện cù lao ven biển như: tôm - lúa, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh,  nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm kết hợp cua, sò huyết trong ao tôm quảng canh, nuôi nghêu ven biển…
 
Trong đó, nuôi công nghiệp trên 1.400 ha, nuôi quảng canh gần 2.700 ha, khoảng 250 ha luân vụ lúa + tôm (lúa + tôm), 120 ha nuôi nghêu ven biển, khoảng 60 ha nuôi cá chẽm…
 
Đặc biệt, mô hình tôm kết hợp trồng lúa phát triển trên địa bàn 2 xã ven biển là Phú Đông và Phú Tân với khoảng 200 hộ dân nuôi trên diện tích gần 250 ha. Ưu điểm của mô hình là dễ thực hiện, người nuôi không cần áp dụng khoa học kỹ thuật cao, vốn đầu tư thấp, phù hợp điều kiện thực tế, thân thiện môi trường, cho ra sản phẩm sạch, không dư lượng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật…
 
Tại đây, địa phương đã hình thành Tổ hợp tác nuôi thủy sản Phú Tân sản xuất theo mô hình tôm kết hơp trồng lúa với 31 hộ tham gia trên diện tích khoảng 61 ha.
 
Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, năng suất nuôi công nghiệp tại Tân Phú Đông đạt bình quân 4,5 đến 5,5 tấn/ha đối với tôm sú, 7-10 tấn/ha đối với tôm thẻ; nuôi quảng canh đạt năng suất khoảng 0,3 đến 0,5 tấn/ha.
 
Riêng nghề nuôi cá chẽm xuất khẩu phát triển gần đây tại huyện cù lao cho sản lượng hàng năm khoảng 1.400 đến 1.800 tấn sản phẩm.
 
Ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ váo thâm canh, đưa nghề nuôi thủy sản xuất khẩu ven biển hạ lưu sông Tiền phát triển vững chắc và hội nhập được huyện hết sức quan tâm nhằm tăng năng suất, sản lượng nuôi trồng và chất lượng sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
 
Theo đó, hàng năm, các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp huyện và tỉnh đều xây dựng kế hoạch tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, cập nhật những thông tin khoa học kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản nói chung cho nông dân vùng nuôi nhằm tăng hiệu quả nuôi trồng, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
 
Trọng tâm gồm những vấn đề thiết thực như: ứng dụng men vi sinh cho ăn và xử lý môi trường; thiết kế hệ thống nuôi có ao lắng và ao xử lý, con giống chất lượng tốt, sạch bệnh; mật độ thả nuôi, quản lý môi trường nuôi và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả…
 
Đồng thời, được sự hỗ trợ của các ngành hữu quan, Tân Phú Đông triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ nuôi trồng thủy sản được nông dân quan tâm như: Dự án “Nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình “Nuôi tôm quảng canh thích ứng biến đổi khí hậu”, dự án “Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh”… trong nỗ lực cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ cho người dân trong vùng nuôi.
  
Đặc biệt, huyện đang nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao (2,3 giai đoạn) có những ưu điểm vượt trội như: quy trình nuôi khép kín, rút ngắn thời gian nuôi, ao nhỏ nên dễ quản lý các yếu tố về môi trường, thức ăn, dịch bệnh, năng suất cao và cho ra sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu thị trường, tiết kiệm thời gian và diện tích nuôi. Năng suất trong mô hình đạt từ 30 - 50 tấn/ha.
 
Hiện nay, huyện có gần 70 hộ nuôi tôm thẻ theo mô hình ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 174 ha. Đi tiên phong có Công ty TNHH Tuấn Hiền quy mô nuôi 37 ha với 5 khu nuôi riêng biệt.
 
Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Hiền chia sẻ, nuôi theo mô hình công nghệ cao, người nuôi đầu tư cho mỗi ha khoảng 1,5 tỷ đồng các khâu kiến thiết ao nuôi, kiện toàn cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ…
 
Cụ thể, ao được lót bạt, có mái che và thiết kế liên hoàn từ ao lắng, ao trữ nước, ao chứa chất thải, ao nuôi theo từng giai đoạn khép kín... Với mô hình nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm ông Ngô Minh Tuấn đạt sản lượng trên 250 tấn tôm thương phẩm, thu khoảng 45 tỷ đồng.
 
Lãnh đạo huyện Tân Phú Đông đánh giá, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giúp ngành nuôi trống thủy sản xuất khẩu tại đây phát triển vững chắc, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao là định hướng đúng, mang tính chiến lược của địa phương.
 
Để thúc đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ các mô hình nuôi truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro trước đây sang ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nói chung huyện tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chuyển giao kỹ thuật, thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn cho nông dân vùng nuôi gắn với trợ vốn ưu đãi để bà con đầu tư chuyển đổi mô hình phù hợp.
 
Mặt khác, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân nhằm đảm bảo đầu vào và đầu ra sản phẩm mà các bên đối tác cùng hưởng lợi.
 
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, qua các vụ nuôi liên tiếp từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương đã thả nuôi được 7.280 ha tôm cá các loại, vượt 1,4% so với kế hoạch cả năm 2022. Trong đó, diện tích nuôi mặn, lợ 7.030 ha. Bà con đã thu hoạch đạt sản lượng từ nuôi trồng trên 26.000 tấn, đạt gần 92% chỉ tiêu cả năm.
 
Điều đáng mừng là từ đầu năm đến nay, giá tôm thương phẩm tại vùng nuôi Tiền Giang luôn đứng ở mức cao, nông dân phấn khởi. Đây là nhân tố tích cực khuyến khích bà con khôi phục và phát triển mạnh nghề nuôi tôm nước mặn, lợ ven biển khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19 vừa qua.
 
Nông dân Dương Văn Lẹ có 2 ha mặt nước nuôi tôm thẻ theo mô hình thâm canh tại xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết, giá tôm thẻ kích cỡ 40 con/kg có giá khoảng 135.000 đồng/kg, tôm thẻ kích cỡ 30 con/kg có giá vào khoảng 170.000 - 180.000 đ/kg, tăng bình quân từ 15% đến 20% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, ông Lẹ đã thu hoạch khoảng 20 tấn tôm thương phẩm, bán được khoảng 2,6 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Nuôi trồng thủy sản bền vững - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả với công nghệ hiện đại
Nuôi trồng thủy sản bền vững - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả với công nghệ hiện đại

Nuôi trồng thủy sản trên bờ hay dưới biển của người dân Khánh Hòa hiện nay vẫn theo quy mô nhỏ. Hầu hết người nuôi đều dựa trên kinh nghiệm truyền thống, ao nuôi, lồng bè còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình nuôi chuẩn hoặc mật độ nuôi dày đặc. Để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như bảo vệ môi trường, vấn đề cốt lõi là thay đổi tư duy người nuôi, hướng đến việc ứng dụng những công nghệ hiện đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN