Nuôi trồng thủy sản bền vững - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả với công nghệ hiện đại

Nuôi trồng thủy sản trên bờ hay dưới biển của người dân Khánh Hòa hiện nay vẫn theo quy mô nhỏ. Hầu hết người nuôi đều dựa trên kinh nghiệm truyền thống, ao nuôi, lồng bè còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình nuôi chuẩn hoặc mật độ nuôi dày đặc. Để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như bảo vệ môi trường, vấn đề cốt lõi là thay đổi tư duy người nuôi, hướng đến việc ứng dụng những công nghệ hiện đại.

Chú thích ảnh
Lồng tròn nhựa HDPE do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đầu tư, nuôi cá biển trên vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). 

Nuôi biển mở công nghệ cao

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khi khảo sát tình hình nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa đã nhận định, Việt Nam đã xác định nuôi trồng thủy sản trên biển là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển kinh bền vững nghề cá và tạo ra đột phá cho ngành thủy sản nói riêng cũng như kinh tế đất nước nói chung. Vì vậy, để nuôi biển tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị bền vững, việc từng bước chuyển dịch nuôi biển thủ công ven bờ sang nuôi biển công nghiệp ở vùng xa bờ và hải đảo với sự tham gia của các doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường được coi là chiến lược phát triển bền vững của lĩnh vực này.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi biển công nghiệp giúp quản lý hiệu quả, giảm rủi ro, tăng năng suất chất lượng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững hơn. Mặt khác, phát triển kinh tế từ nuôi biển còn kéo theo sự hình thành và phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ mới, đặc biệt là lĩnh vực hậu cần, thức ăn chăn nuôi hải sản. Qua đó góp phần tạo thêm việc làm và sinh kế mới, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và đặc biệt là góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, biển đảo của Tổ quốc.

Ở Khánh Hòa, với đặc thù có vùng biển mở với nhiều khu vực có độ sâu lớn nằm sát bờ biển hoặc ven đảo, là tiềm năng lớn trong việc ứng dụng công nghệ nuôi bằng lồng HDPE, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nuôi lồng HDPE có đặc điểm là ô lồng nằm tách biệt với lồng khác, không kết lại thành bè với hàng chục ô nằm liền nhau như bè gỗ truyền thống. Điều này giúp cho môi trường nuôi được thông thoáng hơn, nhờ đó tỷ lệ cá sống cao hơn, phát triển mạnh khỏe, ít dịch bệnh hơn.

Thực hiện dự án nuôi thử nghiệm cá trên lồng HDPE do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ, nông dân Nguyễn Xuân Hòa cho biết, năm 2017, gia đình ông mất trắng 250 lồng nuôi bằng gỗ, lưới, thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Trong khi đó, lồng nhựa HDPE của doanh nghiệp nước ngoài trên vịnh vẫn chống chọi qua cơn bão này. Vì vậy, mô hình lồng nhựa HDPE được đưa về triển khai tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Hòa đã đầu tư đối ứng nuôi thử nghiệm 1 lồng.

Từ khi nuôi theo mô hình mới này, cá ít dịch bệnh, năng suất cao hơn, đặc biệt là an toàn khi mùa mưa bão về. Do đó, ông Hòa hy vọng bà con nuôi trồng của mình nếu có điều kiện thì nên chuyển đổi mô hình này để nuôi trồng thủy sản, giá cả đầu tư ban đầu hơi đắt nhưng sử dụng được lâu dài.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa thông tin thêm, ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn có 3 đơn vị: Công ty TNHH Australis, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu Thủy sản I cà Công ty cổ phần nuôi trồng thủy sản Phương Minh hiện cũng đang áp dụng công nghệ nuôi cá bằng lồng HDPE, hiệu quả kinh tế mỗi năm đạt rất cao.     

Nhằm thực hiện mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 09/NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn dến năm 2045 và các chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa về nuôi trồng thủy sản bền vững, phát triển kinh tế biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và các đơn vị xây dựng và được phê duyệt đề cương “Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa”.

Chú thích ảnh
Tia đình anh Võ Đình Trí ở xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa thu hoạch các mú. 

Nuôi ao đìa với công nghệ cao

Đối với việc nuôi thủy sản ở các ao đìa, người dân Khánh Hòa cũng bước đầu chủ động ứng dụng nuôi công nghệ cao Semi- Biofloc. Công nghệ này với ưu điểm việc xử lý chất thải hữu cơ và chuyển hóa thành protein sinh khối, tạo ra các cụm Biofloc lơ lửng trong nước. Chính các cụm Biofloc là nguồn thức ăn cho tôm; đồng thời góp phần cải thiện môi trường ao nuôi, giúp giảm ô nhiễm và ngăn chặn các mầm bệnh. Ở xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, nông dân xã đã phát triển mô hình nuôi trên và đạt được những hiệu quả rất tích cực.    

Ông Lê Minh Chính, xã Ninh Phú cho biết, khu nuôi của anh và những hội viên khác trong Hội Nông dân xã Ninh Phú gần 10 ha. Trong số đó, một nửa diện tích để làm bể chứa nước. Theo ông Chính, nuôi tôm theo công nghệ cao Semi- Biofloc, tôm sẽ được nuôi theo quy trình 3 giai đoạn. Giai đoạn bể tròn nuôi trong vòng 15 - 20 ngày, nếu mật độ thưa 25 ngày; giai đoạn 2 sẽ từ 25 - 30 ngày và giai đoạn 3 khoảng khoảng 40 ngày.  Cả một quy trình nuôi sẽ khoảng từ 90 - 100 ngày sẽ hoàn tất một vụ nuôi.

“So với ao bạt, nuôi tôm bằng công nghệ cao so có nhiều lợi thế, chi phí thấp hơn, dùng máy chạy khí chỉ cần từ 20 - 25 ngày, ít tốn điện, thức ăn ít hơn. Ngoài ra, người nuôi còn có thể chủ động lựa chọn tôm khỏe mạnh để nuôi và phát triển, lựa chọn phát triển vụ mới và chủ động phòng, chống dịch bệnh”, ông Lê Minh Chính đánh giá hiệu quả.    

Ông Phạm Thanh Sinh, Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cho biết, toàn xã có 170 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó 15 nuôi ha ốc hương, 10 ha nuôi tôm cua xen canh, 15 ha nuôi công nghệ cao còn lại nuôi ao đất, nuôi bán thâm canh. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đánh giá cao về hiệu quả nuôi tôm theo công nghệ cao tại xã. Nhờ áp dung công nghệ Semi- Biofloc nuôi tôm, sản lượng tôm đầu ra cao bình quân sản lượng 15 -20 tấn/1 ha. Người dân còn chủ động quản lý được xử lý chất thải, con giống và chất lượng, truy xuất nguồn gốc của tôm.

Tuy nhiên, rất khó phát triển mô hình này rộng bởi quỹ đất để phát triển làm ao, bể chứa trên địa bàn xã hiện rất khó. Nếu đầu từ 1 ha cho nuôi công nghệ cao, chưa tính tiền sử dụng đất khoảng 5 tỷ/1ha, nguồn vốn quá lớn đối với nông dân. “Để nuôi trồng thủy sản bền vững, tránh được mùa mất giá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng để xuất khẩu, UBND xã kiến nghị các cấp tiến hành, quy hoạch vùng nuôi, tránh chồng lấn đất với các dự án phát triển kinh tế; chính sách hỗ trợ ổn định giá và vốn để khuyến khích người dân phát triển nuôi trồng theo công nghệ cao”, ông Phạm Thanh Sinh cho biết.

Ứng dụng công nghệ cao nuôi, đòi hỏi ưu tiên hàng đầu vẫn là nguồn giống và thức ăn đạt chuẩn để góp phẩn đảm bảo cho nuôi trồng thủy sản ổn định. Gần đây, vấn đề này đã được người dân chú trọng, chọn và sử dụng giống sạch, thức ăn công nghiệp, thức ăn tươi đảm bảo hợp tiêu chuẩn, vệ sinh cho vật nuôi. Ông Lê Văn Khôi, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết thêm, người nông dân ngày nay cũng đã dần tiếp cận được với các mô hình nuôi hiện đại; trong đó có vấn đề về sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho cá tạp. Thức ăn công nghiệp có ưu điểm giúp kiểm soát được lượng khi cho cá ăn thì những ảnh hưởng của loại thức ăn này với môi trường và dịch bệnh cũng giảm đi rất nhiều.

Nhiều dự án, nghiên cứu phục vụ cho việc nuôi  trồng thủy sản có hiệu quả đến đâu, ý thức người dân trong việc chăn nuôi sạch, nuôi công nghệ cao đảm bảo hài hòa các yếu tố môi trường được nâng lên thì việc nuôi trồng thủy sản bền vững vẫn rất cần các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm là thực hiện quy hoạch vùng nuôi đúng với thực tiễn, đảm bảo quy hoạch chung phát triển kinh tế địa phương tỉnh. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ cho người nuôi như bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi thủy sản, bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đôi tượng thủy sản nuôi và nguồn vốn để người dân có thể vay, chuyển đổi các mô hình nuôi truyền thống sang hiện đại, công nghệ cao.    

Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Nuôi trồng thủy sản bền vững - Bài 1: Phát triển gắn với bảo vệ môi trường
Nuôi trồng thủy sản bền vững - Bài 1: Phát triển gắn với bảo vệ môi trường

Khánh Hòa là địa phương có diện tích vùng mặt nước phong phú, hài hòa với nguồn giống phong phú. Đây cũng là cơ sở để phát triển nuôi trồng thủy sản với nhiều công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, thực tại môi trường nuôi trồng thủy sản của tỉnh bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng trầm trọng đến hệ sinh thái, chất lượng các loài thủy sản được nuôi và có trong tự nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN