Cụ thể, sản lượng thủy sản khai thác đánh bắt trên ngư trường khoảng 103.548 tấn, giảm gần 20%. Nguyên nhân giá dầu, ngư lưới cụ dù ổn định nhưng vẫn ở mức cao làm cho chi phí chuyến biển (30 ngày) so với trước đây tăng thêm hàng trăm triệu đồng trên mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ. Mặt khác, trữ lượng thủy hải sản của ngư trường ngày càng ít; tàu cá nằm bờ nhiều hoặc khai thác cầm chừng do hiệu quả kém; ngư dân thiếu vốn lưu động sản xuất đánh bắt, thiếu vốn đầu tư công nghệ bảo quản sản phẩm dẫn đến sản phẩm sau khai thác giá bán thấp, làm giảm hiệu quả khai thác đánh bắt xa bờ và nhiều những vấn đề khác có liên quan.
Trong khi đó, sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch hơn 46.480 tấn, tăng hơn 15%; trong đó, tôm nuôi 17.464 tấn, đạt 14,5% kế hoạch, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Quý I/2023, tổng diện tích nuôi thủy sản của tỉnh hơn 220.350 ha, đạt 57,5% kế hoạch, tăng 26,6% so với cùng kỳ; trong đó, nuôi tôm nước lợ 122.950 ha, với các loại hình thâm canh - bán thâm canh, tôm - lúa và quảng canh cải tiến; cá lồng bè trên biển hơn 2.970 lồng; nhuyễn thể hơn 17.100 ha, với các loài hến, sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa…; cua biển trên 65.000 ha và những loài thủy sản nuôi khác.
Theo đó, sản lượng thủy sản nuôi tăng do bà con đầu tư nuôi nhiều so với cùng kỳ, diện tích nuôi tôm, cua được mở rộng từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chuyển qua nuôi vụ tôm, vụ lúa ở các huyện vùng U Minh Thượng và khu vực ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên. Mặt khác, nông dân tận dụng mặt nước biển và dưới tán rừng đầu tư nuôi các loài nhuyễn thể như sò huyết, sò lông, vẹm xanh… để tăng thêm thu nhập.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản ven biển, dưới tán rừng, ven đảo và xa khơi trên biển; đẩy mạnh thả nuôi tôm nước lợ để đến hết quý II/2023, sản lượng tôm nuôi đạt từ 42.600 tấn trở lên. Tỉnh tiếp tục mời gọi các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực đầu tư vào đề án nuôi biển của tỉnh. Đặc biệt là hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nuôi biển công nghiệp tại quần đảo Nam Du (Kiên Hải) của Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Mavin và Công ty TNHH Thủy sản Australia Việt Nam để làm động lực cho phát triển nuôi biển của tỉnh.
Cùng đó, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên ngư trường, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển đánh bắt đạt hiệu quả kinh tế cao, nhất là chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên phát triển nhanh, bền vững. Tăng cường quản lý, đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả hoạt động khai thác.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) và kế hoạch hành động cao điểm chống khai thác hải sản phất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Trung ương và của tỉnh.