Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh tổ chức thả gần 2 triệu con giống thủy sản gồm 100.000 con cua biển giống và 1,87 triệu con tôm sú giống xuống sông Cổ Chiên (thuộc khu vực xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Số con giống này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh vận động 143 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật vô cùng quý giá, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Tuy phục hồi, tái tạo được nhưng không phải là vô tận nếu con người không biết bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên này.
Việc thả con giống thủy sản ra môi trường tự nhiên là hoạt động được ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức thường niên nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân với việc bảo vệ các giống loài thủy sản. Từ năm 2010 đến nay, ngành đã tổ chức thả trên 16,6 triệu con giống tôm, cua, cá giống các loại, qua đó góp phần phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, hàng năm, ngành nông nghiệp còn tổ chức các cuộc tuyên truyền đến người dân trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; không sử dụng các hình thức sản đánh bắt tận diệt trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các hoạt động bảo vệ, ngành phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác thủy sản, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
Tỉnh Trà Vinh có 65 km chiều dài đường bờ biển; năm 2022, tổng sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt hơn 58.000 tấn, giảm hơn 8.000 tấn so với cùng kì năm trước.
Tương tự, tại cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng UBND thành phố Bạc Liêu tổ chức thả trên 6 triệu con tôm giống vào môi trường thiên nhiên từ nguồn vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tài trợ.
Cùng với hoạt động thả tôm giống về môi trường thiên nhiên, ngành nông nghiệp Bạc Liêu cũng tổ chức tuyên truyền, kêu gọi người dân bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sản phẩm thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Trung Hiếu cho biết, trong những năm gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Bạc Liêu đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nhận thức của người dân, nhất là ngư dân ven biển về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái đã được nâng lên. Nhờ vậy, tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản từng bước được kiểm soát.
Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các biện pháp siết chặt công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc sử dụng các ngư cụ khai thác, xung điện bắt một cách huỷ diệt làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Để góp phần phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh hàng năm, nhân Ngày truyền thống ngành thuỷ sản 1/4 và Ngày môi trường thế giới 5/6 tỉnh Bạc Liêu tổ chức thả tôm giống, cá giống… về môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, thông qua đó cũng nhằm giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng, ý nghĩa của hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thống kê trong 10 năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã thả gần 65 triệu tôm sú giống, 300.000 cá giống và gần 3 tấn cá thương phẩm về mô trường tự nhiên. Riêng năm 2022, các ngành chức năng thả về biển 5,3 triệu tôm sú giống; thả ra các thủy vực tự nhiên ở vùng nội đồng 1,7 tấn cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Để nâng cao hơn nữa ý thức của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, sẽ tiếp phối hợp với Ngành chức năng cùng chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân về nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua các lớp tập huấn Luật Thuỷ sản. Cùng với đó, sẽ tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân qua các hoạt động kiểm tra cấp giấy phép khai thác thủy sản, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh tàu cá, bến cá, cảng cá. Các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu hàng năm có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát trên biển và trong kênh rạch nội đồng. Ngoài ra còn phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra đột xuất những vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong kênh rạch nội đồng…
Tại tỉnh Đồng Nai, nhằm phát động phong trào thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tỉnh Đồng Nai năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức lễ thả 320 nghìn con giống các loại gồm: tôm càng xanh, cá vồ đếm, lăng nha, thát lát cườm, chạch lấu ... vào vùng nước tự nhiên của sông Đồng Nai tại chùa Bửu Phước, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, thông qua hoạt động này có ý nghĩa phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đưa việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trở thành phong trào thi đua thiết thực, góp phần phục hồi và tái tạo quần đàn các loài thủy sản đang bị suy giảm, phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trên các thủy vực tự nhiên của tỉnh.
Theo thời gian, nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm sút nhanh chóng. Khu hệ cá tại các lưu vực sông, hồ trong tỉnh đang bị khai thác quá mức và ngày càng suy giảm nghiêm trọng cả về thành phần loài cũng như số lượng cá thể, trong đó số lượng cá thể giảm đến mức báo động. Nhiều loài cá trước đây xuất hiện phổ biến trên lưu vực các sông, hồ trong tỉnh thì nay rất hiếm gặp như cá me, cá cóc đậm, các loài cá trèn, các loài trong họ cá lăng, các loài trong nhóm cá chạch sông…
Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học tại các thủy vực ở Đồng Nai như ảnh hưởng của việc xây dựng các hồ chứa nước ở thượng nguồn làm cản trở đường di cư của các loài cá, thu hẹp phạm vi phân bố các loài thủy sản; ô nhiễm môi trường do quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp cũng làm các loài thủy sản trên các hệ thống sông cạn kiệt; một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng đó là người dân khai thác quá mức, khai thác bằng xung điện, chất độc, các ngư cụ có tính chọn lọc thấp, khai thác con non, trong mùa sinh sản làm cho nguồn lợi không tái tạo được và dần mất đi.
Do vậy, hành động bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản của toàn xã hội là rất cần thiết và đồng hành với các giải pháp xử lý những vi phạm trong việc sử dụng các ngư cụ khai thác, đánh bắt tận diệt, gây hại nguồn lợi thủy sản, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.