Trong đó, các cơ sở thuộc diện đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ, đã tháo dỡ 408/435 cơ sở (có 6 cơ sở tháo dỡ một phần). Các cơ sở không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ, đã tháo dỡ 3/5 cơ sở, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 58,377 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Hoàng Trung Cường, trong thời gian tới, huyện thành lập ba Tổ công tác, Tổ trưởng là các lãnh đạo UBND huyện phụ trách, thành viên là các trưởng, phó các phòng, ban, cơ quan, đơn vị thuộc Huyện ủy và UBND huyện và lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện. Tổ công tác có nhiệm vụ vận động tuyên truyền 35 cơ sở chưa nhận hỗ trợ chấp hành tháo dỡ trước 30/6/2023.
Đồng thời, huyện tiếp tục vận động, khuyến khích các đầu mối thu mua tại địa bàn như cơ sở của ông Đỗ Văn Toan, ông Bùi Văn Luyện và các tiểu thương thu mua sản phẩm để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở chưa nhận hỗ trợ tháo dỡ; tuyên truyền, vận động và khuyến khích các chủ cơ sở thuộc đối tượng được hưởng cơ chế hỗ trợ có hộ khẩu trên địa bàn huyện có nguyện vọng được tiếp tục nuôi trồng thủy sản đóng bè mới theo phương án sử dụng vật liệu HDPE (loại vật liệu nhựa được sử dụng phổ biến trong cuộc sống, trong các ngành công nghiệp).
Để đẩy nhanh việc tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản còn lại trước ngày 1/7/2023, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch 27/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND thành phố về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND thành phố quy định hỗ trợ thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Theo Kế hoạch này, UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan; tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác triển khai thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà; đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, đúng đối tượng trong việc thực hiện hỗ trợ các cơ sở nuôi trồng thủy sản; tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân, nhất là cho những người trực tiếp bị ảnh hưởng.
UBND thành phố Hải Phòng giao UBND huyện Cát Hải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại, bất cập giữa phát triển nuôi trồng thủy sản với bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường tự nhiên cũng như cảnh quan du lịch, tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ cảnh quan môi trường trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới vào năm 2023; đồng thời, từng bước đầu tư áp dụng công nghệ trong lĩnh vực thủy sản, nâng cao sản lượng, cung cấp sản phẩm thủy sản đặc thù có chất lượng cao phục vụ khách du lịch.
Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản Thiên nhiên thế giới sẽ góp phần nâng cao giá trị của cả Cát Bà và Hạ Long, giúp quảng bá du lịch Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.
Quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km, cách thành phố Hạ Long khoảng 25 km. Với tổng diện tích 336 km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn nguyên sơ tạo cảnh quan kỳ thú. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới năm 2014.