Liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt

Sáng 31/3, tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Báo Tuổi trẻ đã phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. 

Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vụ châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), Cục Thuỷ sản, VASEP, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Chi cục Thuỷ sản các tỉnh, thành nuôi trồng chế biến thủy sản, các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thuỷ sản toàn quốc.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Lê Thế Chữ cho biết: đây là hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của diễn đàn “Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: khai thác bền vững – đẩy mạnh nuôi trồng” do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức từ năm 2022.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được các diễn giả, lãnh đạo doanh nghiệp trình bày những chuyên đề, mô hình, giải pháp điển hình đang nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam gồm: các chuỗi liên kết mang lại thành công cho ngành thủy sản; khép kín chuỗi giá trị - nâng tầm thương hiệu con Tôm Việt; thực trạng và giải pháp phát triển bền vững nghề cua Cà Mau; mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngoài ra, hội thảo cũng được nghe tham luận của giám đốc khu vực châu Á -Thái Bình Dương - Hội đồng hải sản Na Uy, ông Asbjrn Warvik Rørtveit về phát triển chuỗi giá trị thủy sản nuôi trồng và chìa khóa thành công của cá hồi Na Uy.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, các doanh nghiệp cần nắm chắc xu thế tiêu dùng để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản. Đó là các xu thế sản phẩm cho sức khỏe, thân thiện môi trường và sản phẩm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Chú thích ảnh
Gian hàng giới thiệu sản phẩm thủy hải sản tại Hội thảo.

Trên cơ sở đó, đánh giá lợi thế của ngành thủy sản Việt Nam để cân bằng nhu cầu, đồng thời, chủ động liên kết chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp, chế biến đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường và liên kết theo chuỗi sinh thái để tạo điều kiện kiểm soát chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủy sản là ngành hàng quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, ba tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cá tra đạt 422 triệu USD giảm hơn 33%, tôm đạt 578 triệu USD giảm hơn 39% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, Việt Nam đạt cột mốc xuất khẩu thủy sản kỷ lục với 11 tỷ USD, nhưng chỉ sau thời gian ngắn, các doanh nghiệp trong nước đã bước vào giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của thị trường thế giới cũng như một số khó khăn nội tại trong nước.

Hội thảo “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt” là hội thảo lần thứ 3 trong chuỗi hoạt động với chủ đề “Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: Khai thác bền vững-đẩy mạnh nuôi trồng” được báo Tuổi trẻ khởi xướng và triển khai.

Trước đó, tại tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra hội thảo "Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới" vào tháng 10/2022 và tháng 2 vừa qua là hội thảo “Nghề nuôi biển - Chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại” tại Bình Định.

Tin, ảnh: Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)
Đẩy nhanh tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản còn lại trên đảo Cát Bà
Đẩy nhanh tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản còn lại trên đảo Cát Bà

Lũy kế đến tháng 3/2023, huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng) đã thực hiện chi trả hỗ trợ và tháo dỡ 411/440 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các Vịnh thuộc quần đảo Cát Bà (đạt 93,4%).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN