Điểm tựa để ngư dân Lý Sơn vươn khơi, bám biển

Sau gần 6 năm thành lập, Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng; trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân đất đảo tiền tiêu vươn khơi đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ ngư trường truyền thống, chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Tàu cá được bàn giao cho Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải. Ảnh: Thanh Long/TTXVN

Buổi sơ khai hình thành, chỉ có 428 ngư dân đủ điều kiện được kết nạp vào nghiệp đoàn. Từ tháng 2/2012, sau 3 kỳ đại hội phát triển kết nạp đoàn viên, tính đến quý 3 năm 2016, số lượng đoàn viên của nghiệp đoàn đã tăng lên 657 trường hợp. Điều đó đồng nghĩa với việc khẳng định sức mạnh và tầm ảnh hưởng của tổ chức này.

Khi tham gia vào nghiệp đoàn nghề cá, sản lượng đánh bắt của các chủ tàu nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể. Thống kê, từ ngày thành lập đến nay, tổng sản lượng khai thác hải sản của nghiệp đoàn ước đạt hơn 72.300 tấn các loại. Tổng giá trị kinh tế thu về đạt gần 563 tỷ đồng; bình quân thu nhập mỗi lao động đạt hơn 5,4 triệu đồng/tháng.

Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải còn là cầu nối giữa ngư dân Lý Sơn với các nhà hảo tâm, các cơ quan doanh nghiệp, nhất là trong những đợt hứng chịu thiên tai địch họa.

Các chủ tàu thông qua hệ thống Icom (Hệ thống kết nối thông tin giữa nghiệp đoàn với chủ tàu) kịp thời cấp báo về đất liền khi gặp sự cố; được nghiệp đoàn báo cáo, thông báo kịp thời đến cấp trên. Đồng thời, điều động tàu cá trong nghiệp đoàn đi cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp; hỏi han sức khỏe người thân trong những tháng ngày lênh đênh giữa muôn trùng sóng gió.

Cũng nhờ có nghiệp đoàn, sau 4 năm (2013- 2017) đã có đến 72 tàu cá bị nạn trên biển được hỗ trợ nguồn sửa chữa, đóng mới với tổng kinh phí lên tới hơn 15,2 tỷ đồng để tiếp tục hành trình vươn khơi. Nghiệp đoàn còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn về tinh thần lẫn vật chất... là tổ ấm của các đoàn viên, góp phần tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa các tổ, đội đánh bắt tiến tới xóa dần việc đi biển mang tính đơn lẻ, không hiệu quả.

Để duy trì và tồn tại lâu dài, nghiệp đoàn đã không ngừng cải thiện trình độ đoàn viên bằng cách cắt cử hàng chục thuyền trưởng, máy trưởng tham gia các lớp học đào tạo thuyền trưởng cấp 4 xa bờ do trường Đại học Nha Trang tổ chức; các lớp tập huấn về Luật biển Việt Nam do tỉnh Quảng Ngãi tổ chức; phấn đấu đóng mới từ 2-3 tàu đánh bắt khơi xa để mở rộng về quy mô nghiệp đoàn…

Với những thành quả đã đạt được, Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải trở thành điển hình toàn quốc, đứng trong Top 28 tỉnh, thành có biển về nhân tố phát triển biển đảo (2012); được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen và trao giải vàng Thủy sản Việt Nam; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc với chương trình nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải cho hay: "Những việc làm của nghiệp đoàn đã mang lại hiệu quả thiết thực, nó được ví như người bạn tinh thần đồng hành cùng ngư dân. Những người có trách nhiệm với Nghiệp đoàn hứa sẽ cống hiến hết khả năng của mình để tổ chức này ngày càng lớn mạnh, tạo đòn bẩy để ngư dân vươn lên xóa đói giảm nghèo".

Phần lớn cư dân đất đảo trước đây đều gắn bó với ngư nghiệp, nông nghiệp. Tuy diện mạo khu vực này ngày nay đã có sự thay da đổi thịt mạnh mẽ, hình thành nhiều ngành nghề khác nhưng ngư nghiệp - kinh tế biển vẫn chiếm tỷ trọng cao, được đầu tư bài bản hơn để trở thành một trong những ngành mũi nhọn.
 
Vĩnh Trọng (TTXVN)
Hỗ trợ trên 7,5 tỷ đồng cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá
Hỗ trợ trên 7,5 tỷ đồng cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá

Để khuyến khích các chủ tàu hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá tích cực ra khơi thu mua thủy hải sản, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định hỗ trợ trên 7,5 tỷ đồng cho các chủ tàu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN