Bám sát khuyến nghị của EC, nâng cao ý thức về chống khai thác IUU

Với quyết tâm chung tay cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), tỉnh Bình Thuận đang triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn tàu cá khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nhiều nỗ lực trong chống khai thác IUU

Chú thích ảnh
Ngư dân khai thác thủy sản trên biển. Ảnh minh họa: Phạm Cường/TTXVN

Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, vùng biển rộng 52.000 km2. Các phương tiện chủ yếu hoạt động các nghề: lưới kéo, lưới vây, lưới rê, mành, lồng bẫy…
 
Xác định phòng, chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
 
Cùng với đó, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU như: hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), bố trí nguồn lực tại cảng cá, tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn trong công tác quản lý tàu cá hoạt động trên biển…
 
Bám sát các nhóm khuyến nghị của EC, tỉnh Bình Thuận tập trung tăng cường giám sát tàu cá, khai thác thông tin hoạt động tàu cá phục vụ quản lý và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Đến nay, phần lớn ngư dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, cũng như tuân thủ chấp hành việc gắn thiết bị giám sát hành trình. 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
 
Ông Trịnh Văn Thái, ngư dân phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết cho biết: sau khi được địa phương, Ban Quản lý Cảng cá tuyên truyền, bản thân đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát cho tàu cá của mình. Đồng thời, thực hiện ghi nhật ký khai thác theo hướng dẫn.
 
Theo ông Thái, lúc đầu có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ vì quen cách làm nghề truyền thống. Sau nhiều chuyến biển, thiết bị giám sát hành trình đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhất là trong việc xác định vị trí, kết nối hỗ trợ trong những lúc mưa bão, sự cố trên biển.
 
Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, tính đến ngày 30/11/2022, toàn tỉnh 98% tài cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS, đạt hơn 98%; trong đó, tàu cá có 95% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên lắp đặt thiết bị VMS.
 
Thông qua Trung tâm Giám sát tàu cá đặt và các trạm dữ liệu, trong năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện và thực hiện thông báo đến các ngành, địa phương đối với 117 trường hợp tàu cá của tỉnh mất kết nối 10 ngày trên biển. Đồng thời, thông báo và yêu cầu tàu cá quay trở lại ranh giới cho phép khi phát hiện tàu cá vượt ranh giới nước ngoài…
 
Để kiểm soát việc thực thi quy định, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, các đơn vị chức năng của Bình Thuận tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá, thuyền viên, thiết bị an toàn tàu cá, vệ sinh thực phẩm, ngư lưới cụ. Ban quản lý khai thác các cảng cá kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua các cảng cá: Phan Thiết, Phan Rí Cửa và La Gi. Cùng đó, xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác tại Văn phòng kiểm soát nghề cá; kiên quyết không cho phương tiện ra khơi khi không đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định.
 
Cụ thể, trong 11 tháng năm 2022, tỉnh giám sát 4.951 lượt tàu cá vào cảng bốc dỡ thủy sản với 18.112 tấn hải sản; thu 3.843 sổ nhật ký khai thác (đạt tỷ lệ 77%).
 
Bám sát khuyến nghị EC
 
Với nỗ lực của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, Bình Thuận bước đầu đã khắc phục được một số điểm tồn tại trong chống khai thác IUU. Tuy nhiên, hiện các hành vi khai thác IUU theo Luật Thủy sản quy định vẫn còn diễn ra.
 
Nếu như gần 2 năm không phát hiện tàu cá, ngư dân tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài thì năm 2021 tình trạng này lại tái diễn. Riêng 11 tháng năm 2022, tỉnh xảy ra 3 vụ tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực chung của cả tỉnh.
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, Bình Thuận tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giám sát, phát hiện kịp thời đồng thời xử lý kiên quyết nhóm tàu cá có nguy cơ cao; công khai các tàu cá, lao động vi phạm vùng biển nước ngoài tại địa phương và trên hệ thống thông tin đại chúng; vận động nhân dân tố giác các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ.
 
Thực tế, hầu hết các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài của Bình Thuận thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh. Vì vậy, tỉnh đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bà Rịa Vũng Tàu… để quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động ngoài tỉnh cũng như tàu cá ngoài tỉnh đến hoạt động trên địa bàn, nhất là nhóm tàu khai thác xa bờ thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh.
 
Song song đó, thông qua hệ thống giám sát tàu cá, các lực lượng chức năng nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo và kịp thời gọi về lại các trường hợp tàu cá vượt ranh giới vùng biển Việt Nam.
 
Song song đó, các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, xử phạt mức tối đa theo khung pháp luật quy định đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp. Đồng thời, xử lý nghiêm các tàu cá hoạt động vùng khơi đã được lực lượng chức năng cảnh báo nhưng vẫn cố tình vi phạm kể cả trường hợp không bị phía nước ngoài bắt giữ.
 
Thống kê của Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho thấy, hiện toàn tỉnh còn 33 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt VMS. Trong số này, ngoài hư hỏng nằm bờ, không còn hoạt động, một số tàu gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng. Với những trường hợp này, Chi cục Thủy sản phối hợp các địa phương lập danh sách, địa chỉ chủ tàu, nêu rõ tình trạng từng tàu, nơi đang neo đậu để quản lý chặt chẽ; đồng thời làm việc với chủ tàu yêu cầu lắp đặt trong năm 2022, kiên quyết không cho xuất khi chưa lắp đặt.
 
Tiếp tục triển khai thực hiện khuyến nghị của EC, nhất là chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, Ban quản lý cảng cá trên địa bàn tỉnh tăng cường lực lượng, trang bị phương tiện cần thiết giám sát sản lượng thủy sản qua cảng; thực hiện chặt chẽ, đúng quy định việc thu nộp nhật ký và báo cáo khai thác của tàu cá khi nhập bến…
 
Với quyết tâm cao khẩn trương khắc phục các hạn chế, tồn tại nhằm mục tiêu trước mắt là góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, về lâu dài hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Bình Thuận coi chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, vừa mang tính cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài.
 
Cùng với việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bình Thuận tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, chính quyền cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ các hành vi khai thác IUU.

Hồng Hiếu (TTXVN)
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Bình Định xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Bình Định xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm

Tại cuộc họp về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của thường trực tỉnh ủy với các địa phương tổ chức ngày 13/12, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định chỉ đạo, sẽ kiên quyết xử lý người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN