Qua đó, tỉnh tiếp tục chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra này sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4 (dự kiến tháng 4/2023) để đạt kết quả tốt, nỗ lực cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.
Theo đó, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, phân công cụ thể nhiệm vụ, giải pháp cho từng sở, ngành, đơn vị chức năng và huyện, thành phố khắc phục những tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC lần thứ 3.
Tỉnh tiếp tục phối hợp với tỉnh Cà Mau và Vùng Cảnh sát Biển 4, Vùng 5 Hải quân, Hải Đoàn 28 Bộ Đội Biên phòng, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phòng chống, xử lý khai thác IUU tại vùng khơi biển Kiên Giang, Cà Mau và vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, mở đợt cao điểm, tuần tra dọc biên giới biển nhằm ngăn chặn tàu cá Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép gắn với kiên quyết xử lý vi phạm hành chính tàu cá vi phạm khai thác IUU.
Tỉnh tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện những quy định chống khai thác IUU tại các sở, ngành và địa phương có liên quan để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn khắc phục tồn tại, hạn chế; trong đó, chú trọng kiểm tra, xác định nguyên nhân tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình bị mất tín hiệu kết nối trên biển và tăng cường điều tra, xác minh, xử lý tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài, hành vi vi phạm phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá.
Tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá qua Trạm Biên phòng tại các cửa sông, cửa biển, kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo giấy tờ theo quy định, nhất là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá phải được niêm phong đúng quy định, đảm bảo trạng thái hoạt động, có tín hiệu kết nối với hệ thống giám sát tàu cá trước khi tàu cá ra vào trạm. Chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp tàu cá cố tình né tránh không qua Trạm kiểm soát Biên phòng và tại cửa sông, cửa biển không có Trạm kiểm soát Biên phòng.
Ngành chức năng tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan về chống khai thác IUU, đảm bảo ngư dân cập nhật, tiếp cận đầy đủ, kịp thời văn bản, thông tin về các quy định chống khai thác IUU. Xây dựng xã, phường làm lực lượng nòng cốt trong quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân đối với công tác chống khai thác IUU, vận động ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật về vấn đề này.
Đối với các huyện, thành phố ven biển và hải đảo, tỉnh nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong chống khai thác IUU. Huyện, thành phố phối hợp với cơ quan, đơn vị có kế hoạch quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm chắc địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; lập danh sách quản lý chặt chẽ, tổ chức tốt việc kiểm điểm, công khai đối với các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, người đứng đầu các sở, ban, ngành, đơn vị, các lực lượng chức năng có liên quan và Chủ tịch UBND cấp huyện, xã chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để công tác chống khai thác IUU của tỉnh Kiên Giang không đạt yêu cầu thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” EC của Việt Nam.
Theo Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang, đến nay, số tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 3.648 tàu trong tổng số 3.874 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Còn lại 226 tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình thuộc diện ngân hàng quản lý, tàu nằm bờ, tàu đang làm thủ tục xóa đăng ký...
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh đã rất quyết tâm, quyết liệt trong triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU. Tỉnh tổ chức nhiều hội nghị đối thoại doanh nghiệp, tuyên truyền rộng rãi đến ngư dân về các quy định chống khai thác IUU. Qua 3 năm, Kiên Giang xử phạt vi phạm hành chính 61 tàu, hơn 51 tỷ đồng. Tuy nhiên, do số lượng tàu nhiều, vùng biển rộng lớn, việc kiểm soát tàu cá gặp nhiều khó khăn. Việc trao đổi thông tin giữa các lực lượng chưa được tốt. Ngư trường suy kiệt nguồn lợi thủy sản, đánh bắt kém hiệu quả và đa số chủ tàu đều vay nợ ngân hàng...
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất Chính phủ có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu. Về lâu dài, Kiên Giang đã xây dựng đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản hướng tới giảm số lượng tàu đánh bắt. Hàng năm, tỉnh trích kinh phí từ 8 - 10 tỷ đồng để hỗ trợ phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình cho các chủ tàu.
Từ đầu năm 2022 đến nay, qua theo dõi hệ thống giám sát tàu cá, đơn vị chức năng đã thực hiện nhắc nhở hơn 400 lượt tàu cá vượt ranh giới trên biển quay về vùng biển Việt Nam, phát hành 43 văn bản cảnh báo đối với 44 lượt tàu vượt ranh giới trên biển. Đơn vị chức năng thực hiện 19.299 cuộc gọi đối với tàu cá mất kết nối trên biển, phát hành 154 thông báo đối với 318 lượt tàu mất kết nối trên biển trên 10 ngày. Đơn vị chức năng phát hành 9 văn bản đối với 40 tàu cá có dấu hiệu/nguy cơ khai thác IUU cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.
Theo Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh, mặc dù các sở, ngành và địa phương đã quyết liệt trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển, nhưng đến nay vẫn còn tình trạng tàu cá tháo thiết bị giám sát hành trình gửi sang các tàu khác, gửi trên các bè cá, gửi vào bờ, vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình hoặc thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất kết nối hoặc có kết nối ở cùng một vị trí trong thời gian dài… vẫn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Tình trạng tàu cá tỉnh Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra. Nguyên nhân là do lợi ích kinh tế nên một số chủ tàu, thuyền trưởng đã cố tình tắt tín hiệu thiết bị giám sát hành trình để trốn tránh sự giám sát của lực lượng chức năng và đưa tàu đi khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài. Tình trạng tàu cá không đầy đủ các giấy tờ theo quy định nên cố tình né tránh Trạm kiểm soát Biên phòng để ra khơi hoạt động. Việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn chưa chặt chẽ. Công tác thực thi pháp luật còn hạn chế, điều tra xử lý vi phạm còn chậm, chưa quyết liệt, chưa xử lý đến cùng, đặc biệt là xử lý tàu cá có dấu hiệu khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài và xử lý vi phạm phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá đạt tỷ lệ rất thấp. Việc điều tra với các nhóm đối tượng tiến hành môi giới, đưa ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép đến nay chưa đưa ra xử lý vụ việc nào điển hình để răn đe.
Ngoài ra, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền cấp huyện, cấp xã ở một số nơi chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt còn để tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp như: Thành phố Rạch Giá, các huyện Châu Thành, An Biên… Công tác đấu tranh, phòng ngừa và xử lý vi phạm có lúc chưa quyết liệt, chưa thống nhất, chưa kiên quyết, chưa xử lý đến cùng. Đặc biệt là xã, phường, thị trấn còn chưa xác định là pháo đài trong quản lý địa bàn, chống khai thác IUU theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.