Nghệ An với nhiều giải pháp nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU

Tỉnh Nghệ An đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Chú thích ảnh
Tàu cá tại cảng Cửa Hội. Ảnh tư liệu: Nguyễn Oanh/TTXVN

Thực hiện các quy định về đánh bắt và chống đánh bắt không theo quy định IUU, Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con ngư dân, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai Luật Thủy sản.

Để hỗ trợ một phần kinh phí cho ngư dân lắp đặt và duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình, UBND tỉnh đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết  về hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình và cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

Tỉnh Nghệ An cũng khẩn trương xây dựng “Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An” nhằm kịp thời động viên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, ổn định sản xuất.

Tại các địa phương còn thành lập Tổ liên ngành kiểm soát tàu thuyền ra, vào cảng; chấn chỉnh đăng kiểm tàu cá; thành lập các đoàn liên ngành thường xuyên tuần tra tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý các hoạt động khai thác trái phép, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Từ cuối năm 2021, tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, lập danh sách tàu cá vi phạm IUU và tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để định kỳ hằng tuần, hằng tháng gửi cấp có thẩm quyền phương án xử lý.

Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Ban quản lý cảng cá và các huyện phối hợp rà soát lại số liệu về sản lượng khai thác; tiếp tục tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tàu chưa lắp hoặc mất tín hiệu kết nối hệ thống giám sát tàu cá (VMS); làm rõ tình hình các tàu cá nằm bờ, không duy trì kết nối, tàu đã chuyển nhượng thì làm thủ tục để xóa VMS trên hệ thống.

Hiện tại, để hỗ trợ ngư dân và từng bước gỡ thẻ vàng, Nghệ An đang xây dựng chính sách riêng hỗ trợ ngư dân đánh xa bờ, theo đó, cùng với kinh phí duy trì kết nối VMS hằng tháng, các tàu cá được lắp Movimar trước đây được hỗ trợ lắp thiết bị mới.

Ông Trần Như Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết: “Dựa trên những khuyến nghị của EC, Chi cục Thủy sản Nghệ An chú trọng đến việc nâng cấp trạm bờ giám sát tàu cá; chỉ đạo sát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; tổ chức thực thi pháp luật trên biển quyết liệt, giám sát chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác”.

Thực tế thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã thành lập được 12 tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ tại các địa phương. Đây là những tổ chức tự nguyện của các ngư dân ven biển nhằm thực hiện tuyên truyền trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời tham gia giám sát hoạt động khai thác trên biển, báo cáo các vi phạm trong khai thác cho các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tăng cường các đội tàu tuần tra, kiểm tra tại các khu vực giáp ranh vùng biển các nước để tiến hành tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con ngư dân trong quá trình khai thác.

Để không ảnh hưởng đến nỗ lực chống khai thác IUU của cả nước và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao sớm gỡ cảnh báo ”Thẻ vàng” của EC, trong thời gian tới Nghệ An tiếp tục  tập trung triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá theo quy định; thường xuyên rà soát, cập nhật số lượng tàu cá địa phương vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase.

Chi cục Thủy sản Nghệ An cũng lập danh sách theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản, không lắp đặt hoặc có thiết bị VMS nhưng không kích hoạt, vận hành, mất kết nối VMS; khai thác, vận hành có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá để theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, kịp thời xử lý các hành vi khai thác IUU.

Song song đó, tỉnh tập trung hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển đồng bộ, hiện đại; kiện toàn và nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý thủy sản bảo đảm kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Trước đó, tỉnh Nghệ An bắt đầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, xem đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để giám sát, quản lý tàu cá đánh bắt trên biển. Thống kê đến tháng 10/2022, Nghệ An có 97,09% tàu cá đã được lắp VMS. Tuy nhiên, trên Hệ thống giám sát tàu cá quốc gia, số lượng tàu cá lắp đặt VMS của Nghệ An mới chỉ đạt 92,63% nên khó để thuyết phục EC.

Sở dĩ tỷ lệ tàu lắp đặt VMS của Nghệ An còn chênh nhau là do địa phương có 52 thiết bị Movimar được trang bị trước đây nay bị hư hỏng và cắt dịch vụ, hiện Tổng cục Thủy sản đưa vào diện chưa lắp đặt.

Nhiều hạn chế được nêu ra, đó là tình trạng tàu cá mất kết nối VMS trên biển ngày càng tăng. Đại diện Chi cục Thủy sản Nghệ An xác nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất kết nối VMS là do thiết bị cũ nát, hư hỏng, hệ thống điện cung cấp cho thiết bị VMS hoạt động bị hỏng hoặc tàu về cảng kết thúc chuyến biển nên chủ tàu tắt nguồn thiết bị, hết hạn cước thuê bao; ngư dân lấy lý do sợ chập cháy hoặc đánh bắt trái phép nên tắt nguồn... Mặt khác, một phần chất lượng dịch vụ trên VMS chưa đảm bảo nên khó để xử lý.

Hạn chế tiếp theo là về sản lượng khai thác. Theo quy định, sản lượng đánh bắt thống kê qua cảng được phép chênh lệch 20% so với thực tế. Tuy nhiên, do tỷ lệ sản lượng giám sát, sản lượng khai thác tại các cảng Nghệ An còn khá thấp và nhiều tàu cá chưa vào cảng bốc hàng nên số liệu chưa chắc chắn. Mặt khác, mặc dù EC khuyến cáo hải sản đánh bắt xuất khẩu phải có nguồn gốc, nhưng từ năm 2020 đến nay, chưa có tàu nào của tỉnh xin xác nhận truy xuất...

Trên cơ sở kiểm tra, giám sát, 9 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện 83 lượt/79 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó, có 4 tàu vi phạm 2 lần; xử lý 7 tàu với tổng số tiền phạt là 175 triệu đồng về hành vi “Không duy trì thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m”, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng với 2 tàu.

Bích Huệ (TTXVN)
Thực hiện đồng bộ các biện pháp khắc phục 'thẻ vàng' IUU
Thực hiện đồng bộ các biện pháp khắc phục 'thẻ vàng' IUU

Nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hoạt động khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cùng với các ngành chức năng, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để khắc phục "thẻ vàng" IUU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN