Trong một vài năm trở lại đây, sự quan tâm dành cho việc khai thác các tiểu hành tinh và đem nguồn khoáng sản vô giá về Trái Đất ngày càng tăng. Theo ước tính năm 2016 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), có đủ khoáng chất trong vùng đất đá không gian đem lại lợi nhuận cho mỗi người trên Trái Đất 100 tỷ USD.
Tiềm năng khai thác khoáng chất trên các tiểu hành tinh cũng có thể cung cấp các nguồn thiết yếu cho sứ mệnh không gian dài hạn bằng việc xây dựng hoặc tiếp nhiên liệu.
Tuy nhiên, triển vọng phóng tàu thăm dò vào không gian để khai thác tài nguyên tiềm ẩn hiện đang bị một thách thức lớn ngăn chặn – đó là trọng lực. Rất khó sử dụng thành công máy khoan trên bề mặt của hầu hết các tiểu hành tinh vì tính chất thiếu trọng lực làm cho hầu hết các thiết bị trở nên vô dụng.
Theo một nghiên cứu khoa học do các nhà khoa học thuộc Đại học Vienna, Áo triển khai, một giải pháp cho vấn đề này đơn giản là tổ chức hoạt động khoan đào bên trong tiểu hành tinh, và sử dụng sức xoay vòng nhanh của đất đá trên tiểu hình tinh để tạo ra một sức hút nhân tạo.
“Nếu chúng ta tìm thấy một tiểu hành tinh đủ ổn định, chúng ta có thể không cần những bức tường nhôm như này, bạn có thể khai thác toàn bộ tiểu hành tinh như một trạm không gian”, tác giả nghiên cứu – Tiến sĩ Thomas Maindl – trả lời báo New Scientist.
Đội ngũ nghiên cứu cho biết việc tìm được một tiểu hành tinh với vòng quay trọng lực thích hợp là rất cần thiết cho sự thành công của hoạt động. Tính toán khoa học cho thấy một tiểu hành tinh cần phải được hình thành từ đá rắn và quay trong khoảng 1-3 lần/phút, tạo ra một lực hút xấp xỉ 38% lực hút Trái Đất và tương đương với lực hút Sao Hỏa.
Tiến sĩ Maindl dự đoán ít nhất 20 năm nữa hoạt động khai thác tiểu hành tinh mới có thể bắt đầu đi vào hiện thực.