Thanh niên Nhật Bản chơi Pokemon Go tại một công viên ở Tokyo. Ảnh: EPA/TTXVN |
Bốn tỉnh tại khu vực Đông Bắc và Tây Bắc Nhật Bản từng bị tàn phá trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, cũng như bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận động đất lớn vào tháng 4 vừa qua, đang muốn dựa vào cơn sốt trò chơi "Pokemon Go" để hút khách du lịch.
Giới chức các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima thuộc khu vực Tohoku và tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu cho biết họ sẽ sử dụng trò chơi tương tác thực tế đang được yêu thích này để khuyến khích du khách tới đây nhằm hỗ trợ công cuộc tái thiết khu vực.
Bốn tỉnh trên đang lên kế hoạch hợp tác với đơn vị phụ trách ở Nhật Bản của tập đoàn Niantic (Mỹ), công ty phát triển “Pokemon Go”, với hy vọng sẽ có thêm thắng cảnh trong khu vực thành các điểm dừng chân (Pokestops) - nơi người chơi thu thập các món đồ, hoặc phòng tập (gyms), nơi họ có thể huấn luyện thú ảo (Pokemon).
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Tottori, miền Tây Nhật Bản, cũng tìm cách tăng thêm nguồn thu cho ngân sách phục hồi nền kinh tế từ trò chơi tương tác thực tế đang tạo ra một cơn sốt này. Nhà chức trách còn khuyến khích các game thủ tới thăm Đụn cát Tottori với lý do đây là điểm đến an toàn để chơi.
Tuy nhiên, "Pokemon Go" cũng khiến Chính phủ Nhật Bản phải ra cảnh báo an toàn về những vụ tai nạn có thể xảy ra khi người chơi mải mê nhìn vào màn hình điện thoại.
Trong khi đó, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã yêu cầu tập đoàn Niantic đưa các khu vực đường cao tốc ra khỏi "Pokemon Go" sau khi nhiều người bị phát hiện chơi trò này khi đang lái xe.
Nhà chức trách đang nỗ lực giải quyết việc trò chơi phổ biến này đã dẫn đến các vụ tai nạn do người chơi săn tìm thú ảo tại các địa điểm thực tế. Theo cảnh sát Đài Loan, kể từ khi "Pokemon Go" xuất hiện, khoảng 1.210 tài xế đã bị phát hiện vi phạm luật giao thông khi chơi trò chơi trong lúc lái xe.
Các lái xe sẽ phải đối mặt với mức phạt 95 USD nếu sử dụng điện thoại khi lái xe, trong khi mức phạt đối với lái xe mô tô là 32 USD. Hôm 10/8, Cơ quan phụ trách đường cao tốc Đài Loan đã yêu cầu Niantic không đặt các báu vật trong trò chơi vào những khu vực xung quanh đường cao tốc.
Cơ quan Đường sắt Đài Loan cũng đã chơi cấm "Pokemon Go" và tuyên bố sẽ liên hệ với Niantic để bỏ các địa điểm ga xe lửa và tàu hỏa ra khỏi trò chơi.
Truyền thông địa phương đưa tin, Pokemon cũng đã xuất hiện tại căn cứ không quân ở huyện Hoa Liên. Cơ quan Quốc phòng Đài Loan cùng ngày đã cấm các binh sĩ tại các căn cứ quân sự sử dụng điện thoại có chức năng định vị-thiết bị cần thiết để chơi trò này.
Ngoài ra, cảnh sát Đài Loan cũng khuyến cáo người chơi không gặp gỡ người lạ để chơi để tránh bị lừa đảo, đồng thời bày tỏ quan ngại về sự an toàn cho trẻ em.
Tại Campuchia, các nạn nhân sống sót qua chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã bức xúc trước việc những người chơi Pokemon Go đổ về nhà tù Tuol Sleng khét tiếng của chế độ, nay là bảo tàng về tội ác diệt chủng, để bắt thú ảo.
Nhà tù Tuol Sleng là nơi 15.000 người đã bị giết trong thời kỳ cầm quyền của Khmer Đỏ từ năm 1975 - 1979. Những người sống sót sau thời kỳ này đã coi đây là hành động xúc phạm vong hồn các nạn nhân và việc chơi Pokemon Go tại Tuol Sleng là không phù hợp.
Giám đốc Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng Chhay Visoth khẳng định bảo tàng đang tăng cường các biện pháp để ngăn khách chơi "Pokemon Go" tại bảo tàng bởi đây là khu vực dành cho tưởng niệm.