Phát triển năng lượng: Bài cuối- KHCN thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Năng lượng là đầu vào quan trọng của các ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đóng vai trò thiết yếu trong sinh hoạt và tiêu dùng, là yếu tố động lực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Vì vậy, việc ứng dụng khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển an toàn bền vững và hiệu quả là yêu cầu cấp bách.

Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu năng lượng

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định: Việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo an toàn - hiệu quả - bền vững là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, việc thúc đẩy quá trình cải thiện hiệu quả sản xuất và sử dụng năng lượng thông qua thiết lập khung chính sách, đa dạng hóa các nguồn cung cấp đang được các nhà quản lý, giới chuyên môn quan tâm.

Công trình điện gió Đầm Nại (huyện Ninh Hải và huyện Thuận Bắc) có tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2018. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Việc cải thiện quá trình sản xuất, giảm giá thành, hiệu quả cao thì vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị để tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, Bộ xác định, chú trọng đẩy mạnh việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như các giải pháp khoa học công nghệ tiết kiệm và tăng hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp lý để các nhà sản xuất trong nước quan tâm đến lĩnh vực thiết bị công nghệ, hạn chế tối thiểu các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: Thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh, căn cứ kết quả thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ KC.05/11-15 giai đoạn 2011-2015, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt chương trình KC.05/16-20 giai đoạn 2016 -2020 nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng với mục tiêu tiếp thu, làm chủ và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, nhiên liệu sinh học và mộ số dạng năng lượng mới khác. Đồng thời, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao hiệu suất trong khai thác, sản xuất, lưu trữ và sử dụng năng lượng; nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị tiên tiến nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả trong các khâu khai thác, sản xuất, lưu trữ và sử dụng năng lượng.

Đẩy mạnh các dự án sản xuất thử nghiệm

Các chiến sĩ đảo Đá Nam (Trường Sa) bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chương trình KC.05/16-20 giai đoạn 2016 -2020 nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng đã đạt được một số kết quả như: Quy trình thí nghiệm, đánh giá hệ thống khắc phục nhanh sự cố tăng/giảm điện áp ngắn hạn trước khi kết nối thiết bị với lưới; Quy trình công nghệ chế tạo, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng dây động cơ điện tiết kiệm năng lượng sử dụng vật liệu có mật độ từ cảm cao, công suất đến 11 KW, quy trình công nghệ đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật khi đưa vào sản xuất hàng loạt...


Để thúc đẩy phát triển năng lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình định hướng, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Theo đó, giai đoạn 2018-2019, Chương trình KC.05/16-20 đề xuất thực hiện việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ khai thác nguồn năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, nhiên liệu sinh học và một số dạng năng lượng mới khác; xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Theo đó, dự án sản xuất thử nghiệm thực hiện là “Hoàn thiện công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học đốt lò trên cơ sở  Triglixerit biến tính để pha trộn với nhiên liệu lỏng công nghiệp quy mô 100 tấn/năm”.

Chương trình KC.05/16-20 cũng đề xuất thực hiện nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp, giải pháp đảm bảo an ninh, nâng cao độ tin cậy, hiệu quả hệ thống sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện năng với đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm đốt than kèm chất phụ gia cho nhà máy nhiệt điện đốt than để tăng hiệu xuất và giảm phát thải khí ô nhiễm” và dự án sản xuất thử nghiệm được thực hiện là “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ đốt than trộn giữa than antraxit nội địa với than abitum nhập khẩu cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến 300 MW.

Giai đoạn 2018-2019, Chương trình KC.05/16-20 còn đề xuất thực hiện nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị tiên tiến nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả trong các khâu khai thác, sản xuất, lưu trữ và sử dụng năng lượng... góp phần thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

HL (TTXVN)
Phát triển năng lượng: Bài 2 - Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
Phát triển năng lượng: Bài 2 - Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định: Việt Nam có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài phát triển thủy điện, Việt Nam còn có tiềm năng phát triển điện gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN