Phát triển năng lượng: Bài 2 - Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định: Việt Nam có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài phát triển thủy điện, Việt Nam còn có tiềm năng phát triển điện gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối...

Nhà máy điện gió Đầm Nại giai đoạn 1 đã đưa vào vận hành thương mại. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chính trong việc đảm bảo nguồn cung, theo đó, EVN tập trung đầu tư các nguồn điện với quy mô lớn. Đối với năng lượng tái tạo, ngoài các dự án thủy điện nhỏ được ưu tiên phát triển, EVN tập trung vào phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió... nhằm cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia từ nguồn năng lượng tái tạo với giá thành hợp lý trên cơ sở thương mại, đảm bảo phát triển bền vững về môi trường và xã hội.

Tiềm năng - lợi thế

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, năng lượng tái tạo được khẳng định ưu tiên phát triển, công suất năng lượng tái tạo đưa vào vận hành được chia thành các giai đoạn. Giai đoạn từ 2016-2020 đưa vào vận hành 3.603 MW; giai đoạn 2021-2025 đưa vào vận hành 6.290 MW; giai đoạn 2026-2030 đưa vào vận hàng 15.190 MW.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng định hướng tập trung nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng nhằm đáp ứng nhiệm vụ nêu trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tận dụng lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, nghiên cứu phát triển một số dự án Nhà máy điện mặt trời (có nối lưới) tại các địa điểm có tiềm năng thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ, ưu tiên các địa điểm gần hoặc thuộc phạm vi địa giới các nguồn điện hiện có của EVN, đầu tư các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước tại các hồ chứa thủy điện và vành đai bảo vệ và vận hành công trình thủy điện nhằm thuận lợi trong đấu nối lưới điện.

Cột đèn sử dụng năng lượng điện mặt trời tại cầu cảng tàu du lịch trên đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định: Việt Nam có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo, ngoài phát triển thủy điện thì Việt nam còn có tiềm năng phát triển điện gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối... Tiềm năng điện gió phụ thuộc vào chiều cao so với mặt đất, chiều cao thay đổi 1 mét, tiềm năng điện gió tăng khoảng 1%. Ước tính điện gió trên đất liền có thể phát triển khoảng 40-50 nghìn MW công suất, nếu tính tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng trên 100 nghìn MW công suất điện gió. Đối với phát triển năng lượng mặt trời, các tỉnh miền bắc có số giờ nắng bình quân trong năm 1.500-1.700 giờ, các tỉnh miền Nam có số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.000 – 2.600 giờ. Trong cơ cấu phát triển nguồn năng lượng sinh khối, phế thải nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nhất khoảng 45%, tiếp đến là gỗ củi, chất thải chăn nuôi, rác thải và các chất thải hữu cơ khác chiếm tỉ trọng nhỏ...

Việc phát triển năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tăng trưởng bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đồng thời, bảo vệ môi trường và có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thách thức và giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương thừa nhận: Năng lượng tái tạo có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nhưng gặp phải nhiều “rào cản”. Quy hoạch năng lượng tái tạo mới quy hoạch về quy mô công suất theo vùng, khu vực nhưng chưa xác định địa điểm dự án nên khó khăn trong phát triển đồng bộ lưới điện. Bên cạnh đó, công suất phát của năng lượng tái tạo không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, bức xạ mặt trời nên cần giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: Năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời là nguồn năng lượng lớn, sạch, dồi dào, gần như vô tận và có ở khắp nơi. Việc thu giữ để chuyển hóa thành các loại năng lượng khác không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, không phát sinh ra khí thải độc hại, không gây hiệu ứng nhà kính nên được quan tâm, khuyến khích phát triển. Là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng gió và mặt trời cao nhất trong cả nước, Bình Thuận thúc đẩy việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hiện nay, tại Bình Thuận đã triển khai một số dự án và có 3 nhà máy điện gió hoạt động hòa lưới điện quốc gia nhưng việc phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Cơ chế chính sách cũng như những ưu đãi phát triển năng lượng tái tạo chưa “đủ hấp dẫn” các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất điện từ năng lượng tái tạo cao hơn so với các dạng năng lượng truyền thống nhưng giá mua điện thấp đã ảnh hưởng đến việc phát triển năng lượng tái tạo tại Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng: Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển năng lượng tái tạo nhưng do các dự án năng lượng tái tạo thường có quy mô nhỏ nên chi phí cao. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho phát triển năng lượng tái tạo còn thiếu và yếu do đa số các trường đại học, cao đẳng chưa có ngành học chuyên sâu về lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ngoài ra, phát triển các dự án năng lượng tái tạo đòi hỏi đầu tư lớn ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, cấp điện, nước...), có những địa điểm có tiềm năng lại không tiếp cận được dự án do chi phí lớn. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, quy hoạch chi tiết, cụ thể cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo; Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh để kết nối, vận hành các nguồn năng lượng tái tạo góp phần khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo... nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo.


HL (TTXVN)
Ninh Thuận khởi công dự án nhà máy điện mặt trời - Dự án BIM 1
Ninh Thuận khởi công dự án nhà máy điện mặt trời - Dự án BIM 1

Chiều 23/1, tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), Tập đoàn BIM Group cùng đối tác là AC Energy - Công ty thành viên mảng Năng lượng thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines) tổ chức khởi công dự án nhà máy điện mặt trời- Dự án BIM 1. Đây là dự án điện mặt trời đầu tiên được tổ chức khởi công tại tỉnh Ninh Thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN