Đài Sputnik dẫn kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Science ngày 14/2 đưa tin các nhà khoa học đã tìm thấy cấu trúc khổng lồ từ dữ liệu sóng địa chấn được ghi lại trong trận động đất ở Bolivia năm 1994.
Lớp vỏ Trái Đất là một dải đá hợp chất silicat dày đặc kéo dài từ mặt đất đến lõi, chiếm 84% khối lượng "Hành tinh xanh". Nằm sâu 650 km so với bề mặt Trái Đất, một đường ranh giới được gọi là điểm gián đoạn 660-km chia lớp vỏ Trái Đất thành hai tầng trên và dưới.
Địa hình của ranh giới cực kỳ khó đọc vì độ đặc của lớp vỏ. Một trong những cách khả thi làm điều đó là dùng sóng địa chấn. Các đợt sóng phản xạ với các loại kết cấu, khoáng chất và cấu trúc khác nhau được cho là tương tự như phương thức sóng ánh sáng bức xạ khỏi các vật. Từ cơ chế phản xạ, các nhà khoa học có thể hình dung ra cấu trúc sơ bộ của đường ranh giới.
“Chúng ta cần những trận động đất lớn để từ đó cho phép sóng địa chấn truyền qua lớp phủ và lõi, tiếp xúc với đường ranh giới 660 km và bật ngược trở lại lên mặt đất”, Jessica Jessica Irving, nhà địa vật lý thuộc Đại học Princeton (Mỹ) đồng thời là tác giả của nghiên cứu, trả lời phỏng vấn qua email.
Từ dữ liệu trận động đất 8,2 độ Richter xảy ra tại Bolivia năm 1994, đội nghiên cứu của bà Irving phát hiện ở đường ranh giới có một dạng địa hình “lớn hơn” dãy núi Rocky hoặc dãy Appalachian.
“Tôi không thể cung cấp cho các bạn con số ước tính, song dãy núi này có thể cao hơn đỉnh Everest”, nhà khoa học Irving trả lời khi được hỏi về độ cao của dãy núi mới được tìm ra. Theo nhà khoa học này, dãy núi nói trên lớn hơn cả Himalaya.