Lý do Tổng thống Trump có thể thắng cuộc chiến pháp lý về tình trạng khẩn cấp

Bài học lịch sử cho thấy các đối thủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump không dễ gì đánh bại ông trong cuộc chiến pháp lý xoay quanh tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới bức tường biên giới.

Viết trên trang BBC, giáo sư luật hiến pháp Jonathan Turley thuộc Đại học George Washington đã đưa ra nhận định trên. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump kiên quyết tìm cách xây tường biên giới. Ảnh: The Daily Beast

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây bức tường biên giới đã cam kết với cử tri khiến Tổng thống Trump đối mặt với làn sóng chỉ trích, đe dọa từ phe Dân chủ - những người cảnh báo ông nên chuẩn bị cho cuộc chiến nóng bỏng tại tòa án.

Thực tế trên cho thấy giới chính trị Mỹ chưa bao giờ gay gắt và chia rẽ như vậy kể từ thời Benjamin Franklin và John Adams năm 1776. Chia rẽ hiện tại tập trung vào cuộc tranh cãi về bức tường biên giới với Mexico.

Thực tế tại biên giới có phải là vấn đề quan trọng?

Sau khi chỉ có được một phần nhỏ số tiền cần để xây tường biên giới (hơn 1,3 tỷ USD so với số tiền yêu cầu 5,7 tỷ USD), Tổng thống Trump ngày 15/2 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia dọc biên giới phía Nam để ông có thể khởi động xây bức tường. Ngân sách xây tường dự kiến sẽ là 8 tỷ USD lấy từ nguồn tiền dành cho các dự án khác.

Chú thích ảnh
Người di cư tại hàng rào biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN

Về phần mình, phe Dân chủ cam kết sẽ ngay lập tức thách thức tuyên bố của Tổng thống trước tòa.

Theo giáo sư Jonathan Turley, có ít bằng chứng cho thấy có tình trạng khẩn cấp an ninh quốc gia thực sự ở biên giới Mỹ - Mexico. Phần lớn người nhập cư bất hợp pháp là những người ở lại quá hạn visa.

Hơn nữa, số người nhập cư bất hợp pháp đã giảm từ 1,6 triệu năm 2000 xuống còn 400.000 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Điều đó không có nghĩa là không cần bảo vệ biên giới và tăng cường thực thi pháp luật ở biên giới. Vượt biên vẫn làm một vấn đề nghiêm trọng, nhưng ít người coi đó là tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Tuy vậy, Tổng thống Trump gọi đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia. Lý do không phải là những con số mà là định nghĩa tình trạng khẩn cấp.

Tình trạng khẩn cấp quốc gia là gì?

Không có một định nghĩa cụ thể nào. Theo Đạo luật Tình trạng khẩn cấp quốc gia năm 1976, Quốc hội chỉ đơn giản là cho phép tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp để có thêm quyền lực đối phó với tình hình khẩn cấp mà nước Mỹ đang phải đối diện. Đó là lý do tại sao tình trạng khẩn cấp lại dễ tuyên bố và khó chấm dứt.

Xem video Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia (nguồn: Washington Post):

Dù Quốc hội có quyền hủy bỏ tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng cơ quan này chưa từng làm vậy.
Ngay cả khi phe Dân chủ có đủ phiếu ở cả hai viện để bác bỏ tuyên bố của Tổng thống thì ông cũng sẽ phủ quyết. Do đó, họ sẽ cần đa số phiếu với mức 2/3 ở cả hai viện để vượt qua quyền phủ quyết.

Thách thức của phe Dân chủ là nếu không thể giành được đa số phiếu, họ không thể thay đổi kết quả cho dù được một thẩm phán ủng hộ.

Tiêu chuẩn kép của phe Dân chủ?

Ngoài ra, phe Dân chủ còn gặp một vấn đề khi muốn thẩm phán lắng nghe lý luận của họ. Đó chính là tiêu chuẩn kép.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: Business Insider

Việc Tổng thống Trump sử dụng quyền hành pháp vẫn còn ở mức độ rất ít so với những gì mà cựu Tổng thống Barack Obama đã làm khi ông nhiều lần công khai vượt mặt Quốc hội.

Trong một Thông điệp Liên bang, ông Obama từng chỉ trích cả hai viện Quốc hội vì từ chối cho ông thay đổi luật nhập cư cũng như các thay đổi khác. Sau đó, ông đã tuyên bố ý định sử dụng quyền hành pháp đơn phương.

Tuyên bố của ông Obama khi đó đã được làn sóng Dân chủ ủng hộ nhiệt tình, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Năm 2011, một số thành viên Dân chủ và Cộng hòa phản đối ông Obama phát động chiến tranh tại Libya mà không cần Quốc hội tuyên bố. Ông Obama sau đó đã ử dụng nguồn quỹ linh hoạt trong nhánh hành pháp để cấp tiền cho toàn bộ cuộc chiến mà chưa từng được Quốc hội phân bổ.

Bà Pelosi và phe Dân chủ ủng hộ động thái của ông Obama khi ông không cần xin phép Quốc hội và dùng tiền chưa được phân bổ.

Tòa án có bỏ qua tiền lệ?

Theo Giáo sư Jonathan Turley, biểu hiện đạo đức giả lớn nhất chính là quyền mà phe Dân chủ định sử dụng để thách thức Tổng thống Trump.

Chú thích ảnh
Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá rẻ của ông Obama từng bị phán quyết vi hiến. Ảnh: ABC

Năm 2016, Hạ viện thách thức ông Obama khi ông yêu cầu cấp tiền để chi trả cho các công ty bảo hiểm theo Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền. Quốc hội đã từ chối cấp ngân sách và ông Obama đã lệnh cho Bộ Tài chính chi trả số tiền này cho dù Quốc hội chưa đồng ý.

Khi đó, ông Obama không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhưng vẫn sử dụng số tiền này. 
Khi động thái của ông Obama bị kiện, bà Pelosi và phe Dân chủ phản đối, tuyên bố đó là cuộc tấn công vào thẩm quyền của tổng thống.

Trong vụ kiện đó, ngoài việc phán quyết ông Obama vi phạm Hiến pháp, tòa án ở Washington DC còn phán quyết rằng một viện Quốc hội có cơ sở để kiện.

Giờ đây, phe Dân chủ sẽ sử dụng chính tiền lệ mà họ đã phản đối thời ông Obama. Tuy nhiên, họ có thể không chỉ thua kiện mà còn phung phí tiền lệ lịch sử trên.

Tổng thống Trump sẽ lấy 8 tỷ USD từ đâu?

Chú thích ảnh
Một đoạn hàng rào biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN

8 tỷ USD đó sẽ gồm: 1,4 tỷ USD từ ngân sách đã thống nhất; 600 triệu USD tiền mặt và tài sản tịch thu của những kẻ buôn lậu ma túy; 2,5 tỷ USD từ quỹ chống buôn bán ma túy của Bộ Quốc phòng; 2,5 tỷ USD từ các dự án xây dựng quân sự.

Tòa án thường có quan điểm tránh đưa ra các quyết định cứng rắn. Từ khi phe Dân chủ có khả năng đưa vụ kiện ra Tòa án Liên bang Khu vực số 9 (phụ trách California và một số bang miền tây), thẩm phán sẽ không bị ràng buộc và có thể phán quyết chống lại quyền của Quốc hội.

Ngoài ra, quá trình tranh chấp tại Tòa án Tối cao có thể kéo dài tới hai năm. Một khi ra tòa, bên kiện sẽ đối mặt với hai thẩm phán do chính Tổng thống Trump bổ nhiệm.

Điều đó có nghĩa là phe Dân chủ có thể trao cho Tổng thống Trump một chiến thắng lớn về vấn đề tường biên giới ngay trước khi cử tri bầu tổng thống năm 2020.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ai có thể kiện Tổng thống Trump vì tình trạng khẩn cấp quốc gia?
Ai có thể kiện Tổng thống Trump vì tình trạng khẩn cấp quốc gia?

Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ngày 15/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump biết ông sẽ bị kiện vì động thái này. Các vụ kiện, thách thức có thể đến từ 5 đối tượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN