Theo kênh CNN (Mỹ), các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv (Israel) đã chú ý thấy các hốc bất thường trong hai đoạn ở phần đuôi khủng long mỏ vịt. Hóa thạch con vật này được khai quật tại công viên khủng long ở miền Nam tỉnh Alberta, Canada.
Họ so sánh đốt sống của khủng long đó với bộ xương của hai người có khối u lành tính LCH (u tế bào Langerhans). LCH là một loại bệnh hiếm gặp, thỉnh thoảng gây đau đớn, ảnh hưởng tới trẻ em, chủ yếu là bé trai.
Tiến sĩ Hila May, Giám đốc Phòng thí nghiệm Y khoa Tiến hóa và Sử sinh học thuộc khoa y trường Đại học Tel Aviv, cho biết chẩn đoán bệnh ở hóa thạch xương rất phức tạp vì trong một số trường hợp, các bệnh để lại dấu vết tương tự nhau trên xương. Tuy nhiên, bệnh LCH lại có dấu vết đặc biệt, giống với vết thương phát hiện trong khủng long mỏ vịt”.
Các nhà nghiên cứu đã dùng biện pháp quét cắt lớp độ phân giải cao, tân tiến để phân tích hóa thạch đuôi khủng long.
Bà May nói: “Công nghệ mới, như quét cắt lớp vi mô, cho phép chúng tôi kiểm tra cấu trúc vết thương và tái tạo khu vực phát triển quá mức cũng như các mạnh máu nuôi sống khu vực đó. Phân tích vĩ mô và vi mô xác định đó chính là bệnh LCH. Đây là lần đầu tiên bệnh này được xác định ở khủng long”.
Ở con người, LCH thỉnh thoảng được coi là một loại ung thư hiếm. Tuy nhiên, các chuyên gia có ý kiến khác nhau về việc có nên coi LCH là ung thư hay không vì trong một số trường hợp, bệnh khỏi ngẫu nhiên.
Bà May cho biết: “Phần lớn khối u liên quan LCH, thỉnh thoảng có thể rất đau đơn, đột nhiên biến mất trong xương trẻ từ 2-10 tuổi. May mắn là các khối u đó biến mất mà không cần can thiệp trong nhiều trường hợp”.
Khủng long mỏ vịt cao khoảng 10 mét, nặng vài tấn. Chúng sống bầy đàn cách đây từ 66 đến 80 triệu năm.
Như con người, khủng long cũng ốm nhưng hiếm có bằng chứng về bệnh và tình trạng nhiễm khuẩn trong hóa thạch.
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy khủng long T-Rex bị bệnh gút và thằn lằn răng cá sấu có thể bị bệnh viêm khớp. Các nhà khoa học gặp khó khăn hơn trong chẩn đoán bệnh ung thư ở khủng long nhưng có bằng chứng cho thấy khủng long có chịu đau đớn do bệnh này.
Nghiên cứu bệnh tật dựa trên hóa thạch là công việc phức tạp, thậm chí còn phức tạp hơn khi mà loài đó đã tuyệt chủng và không có tham khảo từ con vật còn sống.
Các tác giả cho biết kết quả trên có thể giúp phát triển ngành y khoa tiến hóa – một lĩnh vực nghiên cứu mới chuyên tìm hiểu quá trình phát triển và đặc điểm của bệnh tật theo thời gian.
Trong thực tế, do nhiều bệnh mà con người mắc phải có nguồn gốc từ động vật, như COVID-19, HIV, lao, nên bà May cho rằng hiểu cách phát triển của bệnh trên các loài khác nhau và cách virus tồn tại trong quá trình tiến hóa có thể giúp tìm ra cách mới hiệu quả trong chữa trị.