Người thanh niên sáng chế máy cày đa năng cho miền núi

Với ruộng bậc thang ở miền núi, những chiếc máy nông cụ thường bán trên thị trường khi đưa vào sử dụng không phát huy hết được công năng. Sau nhiều năm nghiên cứu, anh Hoàng Đức Thắng (36 tuổi) thợ sửa chữa xe máy ở thị trấn Na Hang (Tuyên Quang) đã chế tạo thành công chiếc máy cày đa năng để đưa vào ứng dụng trên những cánh đồng bậc thang, góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân.

Anh Thắng cho biết anh bắt tay vào sáng chế chiếc máy cày đa năng xuất phát từ việc nhiều người khi đến cửa hàng của gia đình anh sửa xe máy phàn nàn về những khó khăn khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhất là khi đưa máy cày vào những cánh đồng bậc thang có độ dốc cao để làm đất. Với kiến thức về nghề cơ khí, anh đã sử dụng động cơ của chiếc xe máy có dung tích xi lanh 100cm3, gia công thêm hệ thống sàn, cơ cấu chuyển động, trục và hệ thống bánh xe… để chế tạo thành chiếc máy cày.

Anh Hoàng Văn Thắng (bên phải) đang chế tạo chiếc máy cày đa năng. Ảnh: tuyenquangtv.vn


Chiếc máy cày do anh sáng chế có 4 số, khởi động bằng bình ắc quy, có đèn chiếu sáng, bánh xe chế tạo cho từng chế độ cày, bừa và chuyên chở nông sản riêng. Chiếc máy rất gọn nhẹ, chỉ nặng khoảng 30 kg, có thể di chuyển trên mọi địa hình đồi dốc, ruộng bậc thang, giá bán chỉ từ 11 đến 12 triệu đồng/chiếc, thấp hơn từ 8 đến 9 triệu đồng so với những chiếc máy cày do Trung Quốc sản xuất đang bán trên thị trường.

Ông Hoàng Văn Quang, ở thôn Nà Kham, xã Năng Khả, huyện Na Hang cho biết: Gia đình tôi có 5 sào ruộng nhưng đường dẫn vào ruộng rất khó khăn, phải lội qua suối và nhiều dốc. Những năm trước, để cày bừa 5 sào ruộng này tôi phải dựa hoàn toàn bằng sức trâu, bởi máy cày không thể đưa vào ruộng được. Trong một lần đến nhà Thắng để sửa xe máy, thấy anh đang chế tạo chiếc máy cày có khả năng vượt qua được những bờ ruộng bậc thang mấp mô, nhỏ hẹp, tôi đã mượn về cày thử. Sau một thời gian sử dụng, nhận thấy những ưu điểm vượt trội của chiếc máy cày đa năng do Thắng chế tạo, tôi đã mua lại. Hiện nay ngoài việc dùng để cày bừa, gia đình tôi còn sử dụng chiếc máy cày đa năng để bơm nước và làm máy kéo sau khi thu hoạch nông sản.

Bà Nguyễn Thị Mến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang (Tuyên Quang) cho biết: Na Hang là huyện vùng cao, có nhiều cánh đồng bậc thang. Từ trước đến nay, việc làm đất phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con vẫn chỉ dựa vào sức người và sức trâu là chủ yếu. Việc anh Hoàng Đức Thắng chế tạo thành công chiếc máy cày đa năng đã góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân, nâng cao hiệu suất lao động, tạo điều kiện để nông dân có thêm thời gian phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Hiện anh Thắng đang làm thủ tục để đăng ký bảo hộ sáng chế chiếc máy cày đa năng do anh chế tạo. Anh Thắng cũng dự định trong những năm tới, nếu có điều kiện anh sẽ lập nhà xưởng chuyên sáng chế và cải tạo các máy nông cụ như: máy tách ngô, máy ép phân viên nén dúi sâu.


Vũ Quang Đán

Công nghệ đúc lưỡi cày của người Mông
Công nghệ đúc lưỡi cày của người Mông

Những lưỡi cày thông thường dưới xuôi khi dùng ở vùng đất này đều bị gãy, hỏng. Vượt lên khó khăn đó, người dân nơi đây đã sáng tạo ra một loại lưỡi cày có thể cày trên đá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN