Theo trang The Guardian (Anh), các nhà nghiên cứu đã chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) của 81 thanh thiếu niên ở Mỹ trước đại dịch (từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2019), và so sánh với ảnh chụp MRI của 82 thanh thiếu niên trong thời gian đại dịch bùng phát, nhưng là sau khi dỡ bỏ lệnh phong toả (dữ liệu được thu thập từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2022).
Sau khi kết hợp 64 người tham gia nghiên cứu trong mỗi nhóm về các yếu tố như tuổi tác và giới tính, nhóm nghiên cứu phát hiện ra những thay đổi thể chất trong não xảy ra ở tuổi vị thành niên.
Cụ thể, so với trước đại dịch, nhóm thanh thiếu niên ở giai đoạn hậu phong tỏa có vỏ não mỏng đi và sự phát triển của vùng hồi hải mã và hạch hạnh nhân lớn hơn. Điều này cho thấy các quá trình phát triển não đã tăng tốc. Nói cách khác, bộ não của họ đã già đi nhanh hơn.
Ông Ian Gotlib - Giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: “Sự khác biệt về tuổi tác của não bộ là khoảng 3 năm. Chúng tôi không nghĩ rằng não bộ phát triển nhanh chóng như vậy, do lệnh phong tỏa chỉ kéo dài chưa đầy một năm”.
Viết trên tạp chí Biological Psychiatry: Global Open Science, nhóm nghiên cứu báo cáo rằng đại diện thanh thiếu niên ở vùng Vịnh thuộc bang California đã đồng ý tham gia một nghiên cứu xem xét tác động của căng thẳng đầu đời đối với sức khỏe tâm thần của tuổi dậy thì trên khắp thế giới. Do đó, những người tham gia cũng được đánh giá về các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.
Sau đợt phong tỏa vì đại dịch, nhóm thanh thiếu niên cũng tự nhận thấy những khó khăn lớn hơn về sức khỏe tâm thần, bao gồm các triệu chứng lo lắng, trầm cảm và các vấn đề nội tâm nghiêm trọng hơn.
Giáo sư Gotlib cho biết những phát hiện này phù hợp với kết quả trước đó của các nhà khoa học khác đang nghiên cứu tác động của đại dịch đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Ông nói: “Sự suy giảm sức khỏe tâm thần đi kèm với những thay đổi về thể chất trong não đối với thanh thiếu niên, có thể là do căng thẳng của đại dịch”.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu sức khỏe tâm thần của lứa tuổi này kém hơn có phải do não bộ lão hóa nhanh hơn hay không.
“Chúng tôi chưa biết rõ điều đó. Chúng tôi đang bắt đầu quét lại tất cả bộ não của những người tham gia ở độ tuổi 20, để hiểu rõ hơn liệu những thay đổi này có tiếp tục xảy ra hay bắt đầu giảm dần theo thời gian”, ông Gotlib nói.
Ở người lớn tuổi, những thay đổi não bộ như vậy thường xảy ra do chức năng nhận thức bị suy giảm. Nhưng hiện vẫn chưa rõ tác động ở thanh thiếu niên. Nhưng đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy những khó khăn về sức khỏe tâm thần trong đại dịch đi kèm với những thay đổi dường như liên quan đến căng thẳng trong cấu trúc não.
Ông Michael Thomas, Giáo sư khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học Birkbeck ở London, cho biết nghiên cứu đã xác nhận những khó khăn mà thanh thiếu niên phải trải qua trong đại dịch, với các biểu hiện lo lắng và trầm cảm gia tăng. Tuy nhiên, ông cho rằng rất khó để biết rõ sự thay đổi kích thước của cấu trúc não sẽ có tác động thế nào đối với hành vi của lứa tuổi này hiện tại hoặc tương lai.
“Biện pháp đo kích thước bộ não không cho chúng ta biết chi tiết về các dây thần kinh điều khiển hành vi. Điều đó có thể suy đoán về những hậu quả lâu dài nếu có, và liệu những thay đổi não bộ này sẽ tiếp tục diễn ra hay dần biến mất”, ông Thomas nói.
Tuy nhiên, vị Giáo sư này nhấn mạnh các tác động tiềm ẩn không hẳn sẽ tiêu cực. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, một số thay đổi não bộ đã cho thấy hiệu suất tốt hơn trong các bài kiểm tra trí thông minh.
“Tóm lại, đây là những dữ liệu thú vị cho thấy đại dịch có thể đã ảnh hưởng sâu sắc đến lứa tuổi thanh thiếu niên. Song những dữ liệu này chưa thể cho chúng ta biết liệu những tác động tiêu cực này diễn ra trong thời gian dài hay không, tính linh hoạt của bộ não có cho phép thế hệ này phục hồi hay không”, ông cho biết thêm.