Theo NBC News, sáng chế trên có thể ứng dụng vào các sản phẩm hữu ích trong lĩnh vực y tế như găng tay mổ hay máy theo dõi sức khỏe…
Đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học trên tạp chí Science Advances, Giáo sư chuyên ngành cơ khí Cunjang Yu và các đồng nghiệp cho biết công nghệ mới sẽ giúp các bộ phận tay chân giả của robot cảm nhận được nhiệt độ nóng lạnh.
Theo lời giải thích từ đội nghiên cứu, phần lớn các chất bán dẫn – cả hữu cơ và vô cơ – về mặt cơ học thì không thể co giãn. Nhưng với nghiên cứu này, các nhà khoa học đã chế tạo ra một chất bán dẫn dưới dạng cao su tổng hợp đầu tiên có khả năng co giãn mà không cần bất kỳ cấu trúc cơ học đặc biệt nào.
Bộ da “siêu dẫn” nhân tạo làm từ chất polymer PDMS và một vật liệu rắn hơn tổng hợp từ các sợi nano có khả năng dẫn điện.
Trong một thí nghiệm để kiểm chứng tính hiệu quả, một bàn tay của con robot được bọc bằng da “siêu dẫn” có khả năng phản ứng với nước nóng nước lạnh.
Da nhân tạo chỉ là một trong nhiều ứng dụng dùng vật liệu siêu dẫn trên. Theo dự kiến, vật liệu này sẽ có tác động tích cực trong việc phát triển máy theo dõi sức khỏe, găng tay phẫu thuật và cấy ghép y khoa…