Lá cây có khả năng hấp thụ và tích tụ vi nhựa từ không khí. Ảnh minh họa: AFP
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng rễ cây có thể hấp thụ vi nhựa từ đất, tuy nhiên khả năng vận chuyển lên phần trên của cây còn hạn chế. Ngược lại, nghiên cứu mới này cho thấy vi nhựa trong không khí là một mối đe dọa sinh thái tức thời và nghiêm trọng hơn.
Thông qua phân tích khối phổ, nhóm nghiên cứu đã phát hiện sự hiện diện phổ biến của các loại polymer polyethylene terephthalate (PET) và polystyrene (PS) trong lá cây ở nhiều môi trường khác nhau. Điều đáng chú ý là nồng độ của các hạt vi nhựa này tăng tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm không khí và thời gian phát triển của lá cây.
Tiến sĩ Li Ye, tác giả chính và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Nam Khai (Thiên Tân, Trung Quốc), cho biết họ đã phát hiện PET và PS trong lá cây và cây bụi gần các nhà máy sản xuất polyester, bãi rác, cũng như trong rau ăn lá trồng ngoài trời. Các kỹ thuật hình ảnh tiên tiến đã cho thấy vi nhựa đã xâm nhập vào mô lá ở những khu vực bị ô nhiễm.
Thí nghiệm mô phỏng trong phòng thí nghiệm cũng đã xác nhận rằng lá ngô có thể hấp thụ vi nhựa thông qua khí khổng hay còn gọi là lỗ thở, sau đó vận chuyển các hạt này tới hệ thống mạch dẫn và tích tụ tại các lông trên bề mặt lá.
Giáo sư Vương Lỗi, đồng tác giả nghiên cứu và giảng viên tại Trường Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Nam Khai, nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến ô nhiễm vi nhựa và nano nhựa, khi mà các tác động độc hại của chúng đối với sinh vật đã được ghi nhận rõ ràng.
Giáo sư Vương cho biết thêm, việc hiểu rõ hành vi môi trường của vi nhựa là rất quan trọng để đưa ra các quy định kiểm soát phù hợp đối với loại chất ô nhiễm này. Vì thực vật là nền tảng của chuỗi thực phẩm, nên việc vi nhựa tích tụ trong lá cây đồng nghĩa với việc chúng có thể dễ dàng đi vào hệ sinh thái và cơ thể con người.
Theo Giáo sư Vương, con đường xâm nhập này tiềm ẩn những nguy cơ lớn đối với môi trường và sức khỏe, và cần được nghiên cứu sâu rộng và khẩn trương.
Công trình nghiên cứu này đã được công bố trên trang web của tạp chí Nature ngày 9/4. Nghiên cứu là kết quả hợp tác giữa các nhà khoa học đến từ Trường Khoa học và Kỹ thuật môi trường – Đại học Nam Khai (Trung Quốc), Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Môi trường Sinh thái thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Đại học Đông Bắc (Trung Quốc) và Viện Khoa học Nông nghiệp và Lâm nghiệp Bắc Kinh.