Đây là kết quả từ một nghiên cứu thử nghiệm của Trung tâm đánh giá và nghiên cứu Dược phẩm thuộc Cơ quan quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công bố trên Tạp chí Y khoa JAMA hôm 6/5.
Vậy việc ngấm chất hóa học từ kem chống nắng thực sự nguy hại đến sức khỏe của con người hay không? Nếu điều đó là sự thực, chúng ta nên bảo vệ làn da của mình bằng cách nào ngoài việc sử dụng kem chống nắng?
Hãng tin CNN dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng của 4 trong số các thành phần của kem chống nắng có trong máu liên tục tăng khi sử dụng kem chống nắng hàng ngày và sau đó duy trì trong cơ thể ít nhất 24 giờ sau khi ngừng sử dụng.
Các hóa chất trong số hàng chục thành phần mà FDA cho rằng cần phải được các nhà sản xuất nghiên cứu trước khi được coi là an toàn và hiệu quả bao gồm: avobenzone, oxybenzone, ecamsule và octocrylene .
Vậy bạn có nên ngừng sử dụng kem chống nắng? Các chuyên gia khuyên rằng: “Hoàn toàn không nên!”.
Bác sĩ Da liễu của trường Đại học Yale, phát ngôn viên của Học viện Da liễu Mỹ David Leffell cho rằng: "Các nghiên cứu cần được tiến hành để đánh giá và xác định liệu có liên quan y học thực sự nào từ việc các thành phần kem chống nắng hấp thụ vào máu hay không”. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyên mọi người nên tích cực chống nắng trong thời gian này.
"Ánh nắng mặt trời là kẻ thù nguy hiểm nhất của làn da", ông Scott Faber, Phó Chủ tịch cấp cao về các vấn đề chính phủ tại Tổ chức phi chính phủ vì môi trường (EWG) – tổ chức vận động xuất bản các hướng dẫn hàng năm về kem chống nắng nhận định.
"Tin tức này không khẳng định kem chống nắng bôi trên da bị ngấm vào cơ thể. Đây chỉ là cách FDA khuyến cáo các nhà sản xuất kem chống nắng cần thực hiện các thử nghiệm kỹ càng để nghiên cứu việc hấp thụ hóa chất vào cơ thể có nguy hại cho sức khỏe con người hay không", ông Faber cho biết.
Hội đồng Sản phẩm chăm sóc cá nhân, Hội đồng Thương mại Quốc gia về các sản phẩm chống nắng, mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân đã đưa ra cam kết trong một tuyên bố: "Sự tồn tại của kem chống nắng trong huyết tương chưa hẳn sẽ dẫn đến các vấn đề không an toàn”.
Giám đốc khoa học của Hội đồng nghiên cứu, bà Alex Kowcz cho biết: "Điều quan trọng là người tiêu dùng phải hiểu được mục đích của nghiên cứu này, kem chống nắng đã được sử dụng trên 75% cơ thể, bốn lần mỗi ngày trong bốn ngày – gấp đôi lượng được sử dụng trên thực tế. Hội đồng nghiên cứu đã rất lo ngại, nghiên cứu của FDA có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm và không sử dụng kem chống nắng”.
Sự cần thiết của việc sử dụng kem chống nắng
Theo Tổ chức Ung thư Da, mỗi năm người Mỹ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư da nhiều hơn tất cả các bệnh ung thư khác cộng lại. Quỹ nghiên cứu Ung thư Thế giới Quốc tế cũng cho biết, ung thư da xếp ở vị trí thứ 19 trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất ở cả nam giới và phụ nữ trên thế giới.
Tại Mỹ, kem chống nắng ban đầu được phê duyệt là một loại dược mỹ phẩm không cần kê đơn, bao gồm hai loại: một loại sử dụng các thành phần hóa học để bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời, loại còn lại sử dụng các khoáng chất để ngăn chặn ánh nắng mặt trời, nhưng loại này khi sử dụng thường để lại lớp phủ màu trắng.
Với nhiều người không muốn da mình lên tông trắng thì họ thường sử dụng kem chống nắng hóa học, chính vì vậy kem chống nắng hóa học trở nên rất phổ biến trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, chưa có nhiều quan tâm đến tác động của việc sử dụng kem chống nắng đối với sức khỏe. Điều đó đã sớm thay đổi khi FDA đã bắt đầu yêu cầu ngành công nghiệp này thử nghiệm độ an toàn của các sản phẩm chống nắng.
Ông David Andrew, nhà khoa học cao cấp tại EWG, chia sẻ thêm: "Ban đầu kem chống nắng chỉ được sử dụng với một lượng nhỏ để ngăn ngừa tình trạng cháy nắng trong kỳ nghỉ. Còn hiện tại, các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng chúng hàng ngày, và điều này làm FDA bắt đầu lo ngại."
Học viện Da liễu Mỹ khuyên bạn khi đi ra ngoài, nên bôi ít nhất 31 gram kem chống nắng cho tất cả các vùng da bị phơi nắng cứ sau 2 giờ hoặc sau khi bơi, bao gồm: lưng, cổ, mặt, tai, mu bàn chân và chân của bạn. Nếu bạn có mái tóc mỏng, hãy bôi kem chống nắng lên cả da đầu hoặc đội mũ rộng vành. Để bảo vệ đôi môi của bạn, hãy thoa son dưỡng môi có chỉ số SPF ít nhất là 15. Tia UV luôn luôn tồn tại, chúng ta nên bôi kem chống nắng để bảo vệ làn da ngay cả vào những ngày nhiều mây hay vào mùa đông.
Nghiên cứu thử nghiệm hóa chất chống nắng
Nghiên cứu mới của FDA đã thử nghiệm trên 24 tình nguyện viên khỏe mạnh. Họ được chỉ định sử dụng ngẫu nhiên một loại kem chống nắng dạng xịt có chứa các thành phần avobenzone, oxybenzone, octocrylene và ecamsule.
Các tình nguyện viên được yêu cầu bôi kem chống nắng chỉ định lên 75% cơ thể 4 lần/ngày trong vòng 4 ngày. 30 mẫu máu đã được lấy từ mỗi tình nguyện viên trong bảy ngày.
Kết quả được ghi lại vào cuối ngày thứ nhất cho thấy trong số 6 người sử dụng kem có chứa ecamsule thì có đến 5 người có nồng độ hóa chất trong máu. Đối với 3 chất hóa học khác, đặc biệt là oxybenzone, mức độ các chất hóa học có trong máu của tất cả các tình nguyện viên được cho là khá đáng kể.
"Nhìn qua các bảng kết quả của nghiên cứu, oxybenzone được hấp thụ vào cơ thể với nồng độ cao hơn khoảng 50 đến 100 lần so với ba hóa chất khác mà họ đã thử nghiệm", ông Andrew cho biết.
Năm 2008, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã phân tích các mẫu nước tiểu được thu thập bởi một nghiên cứu của chính phủ và tìm thấy oxybenzone trong 97% mẫu.
Bên cạnh đó, trong số tất cả các thành phần chống nắng, oxybenzone được biết đến là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên dị ứng tiếp xúc. Một nghiên cứu kéo dài 10 năm cho thấy 70% người đã xét nghiệm và có kết quả dương tính khi tiếp xúc với loại hóa chất này.
Nghiên cứu tại Thụy Sĩ đã tìm thấy oxybenzone và một trong 4 hóa chất chống nắng khác có trong 85% mẫu sữa mẹ, điều này làm dấy lên lo ngại rằng trẻ sơ sinh cũng cocó thể bị ảnh hưởng.
Tại Hawaii – quốc gia nằm trên Thái Bình Dương gần đây đã cấm các loại kem chống nắng có chứa oxybenzone và octinoxate vì chúng có chất gây ra sự tẩy trắng san hô và nguy hiểm cho hệ sinh thái biển.
Liên minh châu Âu đã thay thế hầu hết oxybenzone trong các sản phẩm chống nắng của mình bằng các chất bảo vệ mới hơn, ngăn chặn nhiều hơn các tia UV nguy hiểm. Nhưng những sản phẩm mới đó đã không vượt qua các bài kiểm tra an toàn cần thiết theo sự chấp thuận của FDA, vì vậy oxybenzone vẫn được sử dụng. Trên thực tế, một báo cáo năm 2018 của EWG ước tính rằng chất này chiếm 2/3 của tất cả các loại hóa chất có trong kem chống nắng được bán ở Mỹ.