Cây Thông Pà Cò (Pinuskwangtungensis) mọc trên núi, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. |
Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đã triển khai Dự án khoa học “Bảo tồn và phát triển các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm Thông Pà Cò và Thông Đỏ Bắc giai đoạn 2017 - 2019 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông”, nhằm bảo vệ, phát triển những loài thực vật này trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Ông Lê Thế Sự, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Chủ nhiệm dự án cho biết: Trong thời gian thực hiện dự án, Ban sẽ tổ chức hai hội nghị cấp xã; 10 hội nghị cấp thôn, bản; in 5.000 tờ rơi phát cho người dân sống trong vùng lõi, vùng đệm thuộc các khu rừng Pù Luông để giới thiệu về giá trị, sự cần thiết phải bảo tồn loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm là Thông Pà Cò và Thông Đỏ Bắc. Đồng thời, Ban Quản lý xây dựng 9 bảng tin tại 9 xã có địa giới hành chính giáp nơi có hai loài cây trên phân bố; lập ít nhất 6 vùng để nghiên cứu, bảo vệ loài; phối hợp với các cấp có thẩm quyền đào tạo 20 cán bộ trong Ban về kỹ năng điều tra, bảo tồn hai loài cây quý trên để hướng tới xây dựng bản đồ phân bố hai loài cây này tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Cán bộ lâm nghiệp đang kiểm tra kích thước Thân Cây thông đỏ bắc, ảnh do Ban quản lí khu bảo tồn thiên nhiên cung cấp. |
Hiện loài Thông Pà Cò và Thông Đỏ Bắc chỉ mọc trên các đỉnh núi đá vôi cao gần 1.000 mét thuộc các tiểu khu 84, 65, khu vực rừng Pù Luông. Hai loài cây này thường xuyên bị các đối tượng lâm tặc khai thác trái phép vì sản phẩm của cây cho hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, hai loài cây này có khả năng tái sinh tự nhiên kém, rất ít khi bắt gặp cây con tái sinh mà chỉ gặp quần thể cây trưởng thành. Do đó, việc thực hiện dự án khoa học trên là rất cần thiết bởi vùng phân bố tự nhiên của hai loài đã bị thu hẹp. Một số cá thể trưởng thành của hai loài bị suy giảm nghiêm trọng, quần thể đang bị chia cắt và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cục bộ, mất dần nguồn gen.
Dự án này sẽ giúp quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, điều hòa nguồn nước, chất lượng môi trường được cải thiện. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển thực trạng quần thể các loài cây quý hiếm tại các khu rừng Pù Luông.
Theo các tài liệu thu thập được của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, loài Thông Pà Cò (Pinuskwangtungensis) là cây gỗ to, cao khoảng 25 m, thân xanh. Tại Việt Nam, loài cây này phân bố rất hẹp, chỉ gặp ở các tỉnh Thanh Hóa, Cao Bằng, Hòa Bình. Thông Pà Cò thường có giá trị cao, gỗ thơm, vân thớ đẹp, không bị mối mọt, là loài gỗ dùng rất tốt trong ngành xây dựng.
Lá cây Thông Đỏ Bắc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
|
Thông Đỏ Bắc (Taxus chinensis) là cây thân gỗ, cao gần 20 mét, vỏ màu nâu sẫm, lá mọc xoắn ốc. Hiện loài Thông Đỏ Bắc mọc rải rác ở các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Lào Cai. Thông Đỏ Bắc được biết đến như một dược liệu quý hiếm trị nhiều bệnh bởi vỏ và lá cây có thể dùng để chiết xuất ra hoạt chất Paclitacel có giá trị cao trong việc đặc trị bệnh ung thư, gỗ cây Thông Đỏ Bắc có thể dùng trong ngành xây dựng.