Cách thành phố Thanh Hóa 150km, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (nằm trên địa bàn hai huyện miền núi Quan Hóa và Bá Thước) đã trở thành điểm đến thú vị của khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách châu Âu trong những năm gần đây.
Đi bộ ở Pù Luông
Từ thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước), sau hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe máy lượn quanh những sườn dốc thoai thoải, chúng tôi chọn bản Hiêu (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước), vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, làm điểm dừng chân. Dọc đường, chúng tôi bắt gặp từng tốp khách du lịch người nước ngoài đang rảo bước đi bộ khám phá núi rừng Pù Luông, trên vai là những chiếc ba lô to, vừa đi vừa cười nói vui vẻ, gương mặt tỏ vẻ thích thú, đầy hứng khởi và miệng không ngừng hỏi người dẫn đường kiêm phiên dịch người Việt đi theo trong đoàn. Thì ra, họ đang trải nghiệm tour trekking (đi bộ) xuyên bản, từ trung tâm xã Cổ Lũng tới Bản Hiêu theo một vòng cung dọc dãy Pù Luông.
Dừng chân bên sườn dốc, bà Robyn Puren (quốc tịch New Zealand) đi cùng chị gái và con trai hào hứng kể lại những cảm giác của họ khi đến Pù Luông: "Không có nơi nào đẹp như thế này, người dân nơi này rất thân thiện và cởi mở. Tôi đã có 3 ngày thú vị tại đây cùng chị gái và con trai, đi thăm ruộng bậc thang, làm ruộng, ngủ nhà sàn Việt Nam, ăn những món rất Việt Nam...".
Anh Dương Văn Toản hướng dẫn viên cho một công ty du lịch ở thành phố Ninh Bình, người dẫn đường cho đoàn của bà Robyn Puren, cho biết: "Đến Pù Luông mùa nào cũng đẹp, nhưng du khách đến đông nhất thường là vào tháng 3 đến tháng 6 và tháng 9 đến tháng 11, khi lúa chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang quanh các bản: Hiêu, Đôn, Kho Mường, Son, Bá, Mười... trong vùng lõi Pù Luông. Có tuần tôi đưa 2-3 đoàn khách đến Pù Luông, hầu hết khách đều lưu trú lại tại các nhà dân trong khoảng thời gian từ 2-3 ngày".
Pù Luông là cái tên rất mới trên bản đồ du lịch, nhưng hầu hết du khách ngoại quốc khi đến đây đều tỏ ra thích thú, vì được cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới. Tới đây, du khách sẽ lưu trú tại nhà dân, cùng lao động, nấu nướng, sinh hoạt để tự khám phá những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người bản địa, được khám phá hệ động, thực vật phong phú và tận hưởng khí hậu mát mẻ, phong cảnh nên thơ của hàng nghìn ha rừng nguyên sinh trong dãy Pù Luông. Giá cả phải chăng, chưa bị thương mại hóa, dịch vụ hóa cũng chính là điểm hấp dẫn rất riêng của Pù Luông.
Đầu năm 2008, Tổ chức Động thực vật quốc tế FFI phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông triển khai thực hiện dự án xúc tiến du lịch sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có việc chọn một số gia đình tiêu biểu để trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn homestay như: Khu vệ sinh, chăn, nệm... để có thể đón khách du lịch trong và ngoài nước, nhằm phát triển du lịch cộng đồng ở nơi đây. Bên cạnh đó, FFI cũng đào tạo cư dân trong cộng đồng biết cách thức nấu ăn đạt chuẩn phục vụ du khách và tiến tới dạy tiếng Anh cho một số người để có thể làm hướng dẫn viên phục vụ du khách... Dự án cũng đã soạn thảo cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch với ý tưởng cung cấp các dịch vụ làm thoả mãn khách du lịch trong đó có quảng bá cho lợi ích của hoạt động du lịch, phác thảo quy định áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh như nước uống, chuẩn bị đồ ăn, yêu cầu của khu vệ sinh, dịch vụ hỗ trợ mà người dân có thể phục vụ du khách... Đến nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã hỗ trợ gần 20 gia đình xây dựng các nhà nghỉ sinh thái, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị cho các hộ làm du lịch ở 10 thôn, bản thuộc 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước.
Bản Hiêu, xã Cổ Lũng có 3 gia đình được hỗ trợ làm nhà nghỉ sinh thái, mỗi nhà có từ 20-30 chỗ nghỉ để đón khách lưu trú tại gia đình cùng với khu công trình phụ sạch sẽ, hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn. Chi phí dịch vụ ở đây thật sự dễ chịu, với nguồn nguyên liệu tự cung, tự cấp như rau, cá, gà, vịt… mỗi bữa ăn trung bình chỉ khoảng 50.000 đồng/khách, phí lưu trú qua đêm từ 70.000 - 100.000 đồng/khách.
Anh Hà Văn Tùng, dân tộc Thái ở bản Hiêu cho biết: Nhờ những hỗ trợ ban đầu của FFI và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, gia đình anh đã sửa sang, tu bổ 2 nhà sàn làm nhà nghỉ sinh thái cho du khách. Khách đến nhà anh rất thích được cùng ở, cùng sinh hoạt với gia đình. Bên bếp lửa nhà sàn, không còn phân biệt sự khác nhau về ngôn ngữ, chủ - khách, người Việt Nam hay người nước ngoài, tất cả cùng nhau nấu nướng, thưởng thức các món ăn dân dã, thấm đậm tình người nơi đây như: cơm lam, đặc sản vịt Cổ Lũng, canh rau đắng, au trong vườn, cá tôm cua ốc dưới suối... cùng say bên hũ rượu cần và thưởng thức những điệu khặp Thái say đắm lòng người… Thu nhập từ phục vụ du lịch đã giúp gia đình anh Tùng bắt đầu có của ăn của để.
Trưởng bản Hiêu Hà Thanh Ba cho biết: Bản có 42 hộ, 161 nhân khẩu, bao đời nay vẫn gắn bó với nghề trồng lúa và chăn nuôi, lấy đó làm kế sinh nhai. Nhận thấy bản Hiêu có nhiều tiềm năng để làm du lịch cộng đồng, năm 2008, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hỗ trợ 3 hộ dân trong bản làm nhà nghỉ sinh thái, dạy tiếng Anh, dạy nấu ăn... Nếu năm 2013, bản chỉ đón được gần 500 khách thì năm 2014 đã có 934 khách đến với bản Hiêu, chủ yếu là khách nước ngoài.
Hướng đến du lịch cộng đồng bền vững
Ông Lê Thế Sự, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho biết: "Những năm gần đây, nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là châu Âu đã chọn Pù Luông làm "điểm đến" hấp dẫn khi tới Việt Nam. Theo thống kê năm 2014, Pù Luông đón khoảng 4.000 lượt khách du lịch tham quan, trong đó có tới hơn 3.500 du khách quốc tế. Qua các dịch vụ lưu trú và ăn uống, nhiều hộ dân trong vùng lõi của khu bảo tồn đã có nguồn thu ổn định. Chúng tôi luôn xác định để du lịch cộng đồng thật sự bền vững phải có sự tham gia, sự vào cuộc của người dân địa phương và chính họ phải được hưởng lợi từ hoạt động du lịch".
Thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho chính quyền, người dân địa phương và những hộ dân tham gia làm du lịch về: kỹ năng đón tiếp, dạy tiếng Anh, tập huấn kỹ năng thuyết trình, quản lý và hoạch định du lịch sinh thái, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ bà con đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh phục vụ du khách; hỗ trợ người dân khung dệt cùng vật liệu để sản xuất các mặt hàng lưu niệm bán cho du khách. Ngoài ra, Ban quản lý còn xây dựng và phát hành cuốn sách quảng bá du lịch Pù Luông bằng 3 thứ tiếng Anh, Thái, Việt.
Với quyết tâm bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng tại Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông đến năm 2015. Theo đó, khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông sẽ được đầu tư 83 tỷ đồng để phát triển không gian, hạ tầng du lịch sinh thái gắn với văn hóa cộng đồng, gồm: xây dựng trung tâm du khách và trung tâm thông tin du khách; đường bậc đá leo núi, đường mòn diễn giải; bến thuyền du lịch; bản làng du lịch sinh thái; điểm dừng chân... Các loại hình du lịch sẽ được đưa vào khai thác trong tương lai tại khu Bảo tồn thiên nhiên này là: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm… dành cho du khách thích khám phá, gần gũi với thiên nhiên. Những nếp sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng của các dân tộc Thái, Mường ở Pù Luông sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo...
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có diện tích 17.662 ha nằm trên khu vực rừng núi đá vôi đất thấp lớn nhất còn lại ở miền Bắc với 3 kiểu rừng chính là rừng rậm trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi và các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi. Khu bảo tồn này hiện có 1.542 loài thực vật và 908 loài động vật, trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm được xếp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như: thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, voọc xám, báo gấm, sơn dương, gấu đen châu Á... Không chỉ đa dạng về các loài động thực vật, hệ sinh thái mà Pù Luông còn hấp dẫn bởi cảnh quan mang đặc trưng của vùng Tây Bắc Việt Nam với những ruộng bậc thang và các làng bản dân tộc thiểu số ven suối. Pù Luông còn gần với các điểm du lịch như Bản Lác - Mai Châu (Hòa Bình), suối cá Thần Cẩm Lương (Cẩm Thuỷ - Thanh Hóa), Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)... tạo thành vòng tour du lịch khép kín. |
Rời Pù Luông trong buổi chiều khói sương lảng bảng, dọc đường đi, những thửa ruộng bậc thang đã mướt màu xanh non của lúa, hoa đào, hoa mận đã nở xòe rực rỡ... tất cả báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Với những gì mà thiên nhiên ban tặng, Pù Luông đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Hoa Mai