Tờ Daily Mail (Anh) cho biết khám phá này có thể góp sức cho việc xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng trong tương lai, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ USD trong vận chuyển vật liệu từ Trái Đất đến.
Nhóm các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Vật lý và Hóa học Tân Cương ở Urumqi cho biết rằng bụi Mặt Trăng có thể tan chảy nhiều lần ở nhiệt độ cao để hình thành một loại sợi có độ bền đặc biệt.
Dựa trên đánh giá ban đầu, loại sợi từ bụi Mặt Trăng này có thể đem lại cường độ kéo 1,4 gigapascal; gấp 22 lần so với bê tông thương mại tiêu chuẩn.
Nhà nghiên cứu Peng-Cheng Ma ước tính rằng vật liệu này đủ mạnh để chịu đựng được cả ảnh hưởng từ va chạm với một thiên thạch nhỏ.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) từng đề xuất xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng với 12.000 tấn vật liệu và chi phí rơi vào khoảng trên 1 nghìn tỷ USD tiền vận chuyển từ Trái Đất. Ước tính hiện nay là vận chuyển 0,45 kg vật liệu xây dựng đến Mặt Trăng có thể tốn từ 23.000-41.000 USD.
Để tìm vật liệu thay thế, các nhà khoa học đã thử sử dụng bụi núi lửa tại dãy Changbai, gần biên giới Trung Quốc-Triều Tiên. Loại bụi núi lửa này có thành phần hóa học tương tự như mẫu bụi Mặt Trăng NASA mang về Trái Đất vì chứa 48% silicon dioxide và 17% aluminum oxide.
Đội ngũ các nhà khoa học đã “nung” bụi núi lửa ở nhiệt độ 2.372 Fahrenheit sau đó hạ nhiệt cho vật liệu tạo thành thủy tinh. Thủy tinh này tiếp tục bị tán nhỏ và đun lại ở nhiệt độ cao hơn. Sau đó thành phần này được cho vào máy để tạo thành vật liệu sợi.
Vào đầu năm nay, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã thử nghiệm phương pháp tạp bê tông từ hỗn hợp đất Mặt Trăng và urea từ nước tiểu của phi hành gia. Vật liệu này có cường độ kéo chỉ 32 megapascal.
Tuy Trung Quốc gia nhập cuộc đua vũ trụ khá muộn nhưng trong nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã “bơm” hàng tỷ USD vào nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực này. Trung Quốc là quốc gia thứ 3 trên thế giới thám hiểm Mặt Trăng thành công, sau Mỹ và Nga.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ấp ủ đến năm 2022 vận hành một trạm vũ trụ dài hạn. Đây cũng là khoảng thời gian quỹ dành cho Trạm Vũ trụ Quốc tế tạm ngừng.