Theo một ghi chép ở Anh thời trung cổ, năm 1110 sau Công nguyên là một năm đầy thảm họa. Nhiều đợt mưa lớn đã làm thiệt hại mùa màng, nạn đói rình rập khắp mọi nơi. Kỳ lạ hơn, trong một đêm định mệnh tháng 5 vào năm đó, Mặt Trăng bỗng nhiên biến mất khỏi bầu trời.
“Vào đêm thứ Năm trong tháng 5, Mặt Trăng vẫn chiếu sáng vào buổi tối, sau đó ánh sáng của nó giảm dần. Ngay khi màn đêm buông xuống, nó đã biến mất hoàn toàn, bầu trời tối đen như mực", một tác giả giấu tên ghi lại trong cuốn Biên niên sử Anglo-Saxon (hay còn gọi là biên niên sử Peterborough).
Không phải bị mây che phủ, cũng không phải bị che khuất bởi bóng của Trái Đất, suốt nhiều thế kỷ sau, vẫn chưa ai tìm ra được lời giải hợp lý cho hiện tượng lạ lùng đó.
Vậy điều gì đã khiến Mặt Trăng biến mất? Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports mới đây, lời giải cho việc biến mất bí ẩn của Mặt Trăng và những trận mưa áp đảo cả mùa hè trong năm đó có thể chính là núi lửa.
Để tìm ra nguyên nhân khiến Mặt Trăng đột ngột mất tích này, các nhà nghiên cứu đã phân tích các lõi băng từ Greenland và Nam Cực. Những lõi băng dài có thể tiết lộ khí hậu toàn cầu lúc đó như thế nào, cũng như những thành phần nào có trong không khí.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện sự gia tăng của các hạt khí sulfate, thành phần có trong tro núi lửa, ở cả hai lõi băng từ năm 1108 đến năm 1110 sau Công nguyên. Điều đó cho thấy tầng bình lưu có sự phun trào của núi lửa.
Những vụ phun trào núi lửa được gọi là "vụ phun trào bị lãng quên", được các nhà sử học ghi lại vào thời điểm đó, có thể đã giải phóng những đám mây tro bụi cao khắp thế giới trong nhiều năm. Không chỉ tạo ra một bức màn che mờ Mặt Trăng, một loạt các vụ phun trào lớn cũng có thể đã ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu, khiến thời tiết lạnh hơn, ẩm ướt hơn vào năm 1110 sau Công nguyên.
Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy thêm bằng chứng về hoạt động của núi lửa qua các vòng gỗ của thân cây cùng thời kỳ. Các vòng cây này sẽ thay đổi độ dày tương ứng với các kiểu khí hậu. Kết quả tiết lộ rằng năm 1109 là một năm ẩm ướt, lạnh lẽo bất thường ở Tây Âu. Hiện tượng thời tiết lạ thường này có thể do ảnh hưởng từ một số vụ phun trào núi lửa lớn khác trong lịch sử. Nhóm nghiên cứu cũng theo dõi các ghi chép về hiện tượng thời tiết bất thường, mất mùa và nạn đói trong thời kỳ đó và cho rằng các vụ phun trào núi lửa đã phá hủy khí hậu châu Âu.
“Nguồn gốc của những vụ phun trào này vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, vụ phun trào chính trong thời kỳ này xảy ra ở núi Asama ở Nhật Bản”, nhóm nghiên cứu viết.
Theo ghi chép, từ năm 1062 đến 1141, vụ phun trào núi Asama ở miền Trung Nhật Bản bắt đầu vào cuối tháng 8/1108 và kéo dài đến tháng 10 năm đó. Vụ phun trào vô cùng mạnh mẽ này đã phá hủy mùa màng và có thể đã góp phần đáng kể vào sự tăng vọt sulfate trong lõi băng Greenland và làm ô nhiễm bầu trời, gây ra hiện tượng nhật thực hai năm sau đó.
Một vụ phun trào không xác định khác cũng đã xảy ra ở Nam Bán cầu và cũng có niên đại từ năm 1108, có khả năng đã đóng góp vào sunfate trong lõi băng ở Nam Cực, các nhà nghiên cứu cho biết thêm.
Mặc dù lời giải thích này dựa trên rất nhiều bằng chứng gián tiếp, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết nó vẫn là giả thuyết phù hợp nhất cho hiện tượng Mặt Trăng biến mất.