Theo Business Insider, bản đồ 3D này là sự kết hợp 6 bản đồ địa chất miêu tả các bề mặt khác nhau của Mặt Trăng. Mỗi điểm màu trên bản đồ 3D tương ứng với độ tuổi khác nhau của các yếu tố địa chất, trong đó gồm miệng núi lửa hoạt động, miệng núi lửa bị chôn vùi, khe nứt, địa hào, vết nứt gãy, vết lõm và vết đứt gãy sâu. Cụ thể, những điểm màu vàng có tuổi đời 1,1 tỷ năm, trong khi những vị trí màu nâu có thể lên tới 4,5 tỷ năm.
Tỷ lệ của bản đồ này là 1:5.000.000 dựa trên số liệu đo được từ máy đo độ cao laser Lunar Orbiter (Lola) của Mỹ và máy quay địa hình SELENE Kaguya Nhật Bản.
Video tái dựng bản đồ 3D Mặt Trăng (nguồn: USGS):
Các nhà khoa học đánh giá sự xuất hiện của bản đồ Mặt Trăng chi tiết như thế này là rất quan trọng bởi hai nguyên do: Nó có thể giúp các phi hành gia tìm ra phương thức hạ cánh và hoạt động nhiệm vụ trên Mặt Trăng một cách tốt nhất, cũng như hỗ trợ giới địa chất tìm hiểu thêm về lịch sử cổ đại của Mặt Trăng.
Có cái nhìn chính xác hơn về địa hình của Mặt Trăng giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về nguồn gốc của nó. Do trên Mặt Trăng không có gió, sông hoặc các mảng kiến tạo, nên nhiều đặc điểm địa chất có thể phản ánh sự hình thành của vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Các thành phần hóa học trong đá và miệng núi lửa tại đây cũng hỗ trợ các nhà khoa học tìm hiểu thành phần hóa học ban đầu của Trái Đất là gì, từ đó tìm ra sự sống được hình thành như thế nào.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang chuẩn bị kế hoạch cho một cuộc trở lại Mặt Trăng lớn có tên gọi Artemis. Mặc dù mục tiêu cuối cùng của dự án là đưa nữ phi hành gia đầu tiên và thêm một nam phi hành gia lên Mặt Trăng trong năm 2024, song kế hoạch này đang phải đối mặt với nhiều thách thức vì những trì hoãn trong hệ thống tên lửa đẩy mới và hạn chế về ngân sách.