Tờ China Daily đưa tin tàu Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã thực hiện cú hạ cánh thành công đầu tiên gần miệng hố Von Karman trên vùng tối Mặt Trăng ngày 3/1/2019. Sau khi đáp xuống bề mặt bí hiểm này, tàu Hằng Nga ngay lập tức triển khai xe tự hành Thỏ Ngọc 2 sử dụng radar thâm nhập vào lòng đất để khắp phá các khu vực mà nó đi qua.
Nghiên cứu do nhóm nhà khoa học tại Trung tâm Quan sát Thiên văn Quốc gia thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (NAOC) đã hé lộ điều ẩn giấu dưới bề mặt của hành tinh này.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng radar dò quét gắn trên xe Thỏ Ngọc 2 để gửi tín hiệu sóng phát thanh vào bên sâu dưới bề mặt Mặt Trăng, đạt độ sâu 40 mét bằng sóng cao tần 500 MHz – gấp 3 lần độ sâu tàu Hằng Nga 3 từng đạt được tại vùng sáng của hành tinh này năm 2013. Dữ liệu thu được đã cho phép các nhà khoa học phát triển hình ảnh về địa tầng dưới bề mặt vùng tối của Mặt Trăng.
Ông Li Chunlai, Giáo sư nghiên cứu tại NAOC cho biết: "Chúng tôi thấy rằng sự thâm nhập tín hiệu tại nơi tàu Hằng Nga 4 hạ cánh sâu hơn nhiều so với tín hiệu đo được tại khu vực tàu Hằng Nga 3 hạ cánh trước đó. Lớp địa tầng dưới bãi đáp của Hằng Nga 4 rất phức tạp. Quan sát này cho thấy bối cảnh địa chất hoàn toàn khác nhau giữa hai địa điểm hạ cánh”.
Kết quả phân tích hình ảnh radar bằng kỹ thuật chụp cắt lớp cho thấy phần dưới bề mặt Mặt Trăng chủ yếu được cấu thành từ các vật liệu dạng hạt có độ xốp cao với kích thước khác nhau. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Science Advances số mới nhất.
Xem video mô phỏng quá trình thám hiểm Mặt Trăng của xe tự hành Thỏ Ngọc 2. Nguồn: CGTN