"Báo Độc lập" (Nga) ngày 16/1 khẳng định các cơ quan tình báo Mỹ theo dõi máy tính trên khắp hành tinh, thậm chí cả những máy không nối mạng Internet.Với sự trợ giúp của một chương trình bí mật, có tên mã là "Quantum" (lượng tử), các cơ quan tình báo Mỹ đã cài đặt phần mềm xâm nhập và sử dụng công nghệ vô tuyến ngầm đối với 100.000 máy tính ở các quốc gia trên thế giới, nhằm có thể theo dõi và phát động chiến tranh mạng khi cần thiết. Và chương trình do thám này đã được Mỹ "âm thầm" thực hiện trong suốt 5 năm qua.
Phần mềm mà Mỹ sử dụng cho phép tiếp cận và thậm chí chỉnh sửa dữ liệu ngay cả khi máy tính tắt hoặc không kết nối Internet. Bí mật này của Mỹ do chính "người hùng Snowden" hoặc còn được gọi là "kẻ phản bội nước Mỹ" tiết lộ. Edward Snowden chính là cựu nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Theo tờ New York Times, công nghệ bí mật của Mỹ dùng sóng âm thanh ngầm được truyền từ các bảng mạch nhỏ và USB cắm vào máy tính trong tầm ngắm. Sóng này sau đó được chuyển tới trạm tiếp âm được thiết lập không xa đó (trong bán kính vào chục km). Công nghệ tần số vô tuyến này đã giúp Mỹ do thám máy tính của đối thủ ở khắp mọi nơi cho dù họ dùng bất cứ biện pháp bảo vệ nào.
Tiết lộ mới nhất này cũng khiến nhiều chuyên gia an ninh mạng không còn tin rằng một trong những phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất để đảm bảo hệ thống an toàn là không truy cập Internet. Theo ông James Andrew Lewis, một chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (Mỹ), quy mô và sự tinh vi chưa từng có tiền lệ nói trên của tình báo Mỹ đã đem lại cho nước này những cơ hội chưa từng có.
Trong một tuyên bố hiếm hoi đáp lại được gửi cho tờ New York Times, phát ngôn viên của NSA khẳng định các hoạt động của cơ quan này chỉ nhằm các mục tiêu tình báo nước ngoài, bảo vệ an ninh quốc gia và hoàn toàn không nhằm đánh cắp các bí mật thương mại, không nhằm mục đích kinh tế và cũng chưa từng sử dụng trong không gian Mỹ.
NSA chống chế rằng việc họ cài đặt phần mềm xâm nhập Quantum vào máy tính của các quốc gia khác là để "chủ động bảo vệ" nước Mỹ trước các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài, và rằng: "Chúng tôi không sử dụng khả năng tình báo ở nước ngoài để đánh cắp các bí mật thương mại của các công ty nước ngoài nhằm phục vụ lợi ích của các công ty Mỹ, cũng như không nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh thương mại các công ty Mỹ".
Có thể thấy trong suốt năm năm qua, với công nghệ trên, Mỹ đã do thám hoạt động quân sự của Nga, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc. Tờ New York Times khẳng định quân đội Trung Quốc là mục tiêu thường xuyên của Quantum. Ngoài ra một số đối tượng khác của chương trình do thám này là lực lượng cảnh sát Mexico, các tổ chức thương mại trong Liên minh châu Âu, và kể cả đồng minh Saudi Arabia của Mỹ.
Đề cập phản ứng của Nga, một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông Nga, ông Bukin Maxim tin rằng Mỹ có thể giám sát cả 100 triệu máy tính bởi vì công nghệ này đã được nghiên cứu từ lâu và không có gì phức tạp. Ông Bukin Maxim đánh giá sóng vô tuyến trong nhiều trường hợp không giúp các cơ quan tình báo hoạt động hiệu quả do nhiều căn cứ quân sự sử dụng công nghệ phá sóng, tuy nhiên với sự trợ giúp của phần mềm được cài đặt trên các máy tính ở nước ngoài, với các chip điện tử hoặc đơn giản là thông qua cổng USB truyền dữ liệu đến các trạm tiếp sóng gần đó, các điệp viên Mỹ lại có thể dễ dàng đạt được mục tiêu.
Ông Bukin nhấn mạnh rằng hiện chưa có thông tin nào về những nguy hiểm đặc biệt mà Mỹ có thể gây ra, bằng chương trình do thám Quantum, đối với các hoạt động của Bộ Quốc phòng Nga cũng như các chương trình vũ khí của Nga.
Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)