Thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến, công cụ hỗ trợ chuyển đổi số

Dịch COVID-19 đang làm thay đổi nhiều đời sống, kinh tế xã hội nhưng cũng đặt ra nhiều cơ hội cho chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh chủ đề này.

Để chuyển đổi số thành công, liên quan rất nhiều đến dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, số người sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn chưa nhiều? Theo ông đâu là nguyên nhân?

Hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) còn chưa cao. Có ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất, sử dụng DVCTT chưa trở thành thói quen của người dân. Đa số người dân vẫn quen thuộc với việc nộp hồ sơ trực tiếp tại các Trung tâm Hành chính công, bộ phận một cửa.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT).

Thứ hai, mặt bằng trình độ công nghệ thông tin của người dân chưa đồng đều, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ để biết và sử dụng DVCTT.

Thứ ba, DVCTT do các cơ quan nhà nước vẫn chưa đủ thuận tiện, nhiều dữ liệu chưa liên thông, các chức năng xác thực điện tử và thanh toán trực tuyến chưa hoàn thiện.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, xu hướng chuyển sang sử dụng DVCTT thay thế cho việc nộp hồ sơ trực tiếp là tất yếu. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh cung cấp DVCTT mức độ 4 gửi các bộ, ngành, địa phương.

Vậy sắp tới, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ có giải pháp sắp gì để gia tăng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thưa ông?

Để thúc đẩy việc cung cấp, sử dụng DVCTT, các nền tảng dùng chung có vai trò đặc biệt quan trọng, cần phải ưu tiên phát triển. Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang phát triển các hệ thống nền tảng kỹ thuật cho Chính phủ điện tử Việt Nam, bao gồm:

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia; Hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc; Nền tảng để người dân, doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ Chính phủ điện tử; Xây dựng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước thành hạ tầng số của Chính phủ điện tử ...

Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu (CSDL) là thành phần cốt lõi của các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử. Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh việc triển khai, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu quốc gia (trước hết là CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, dân cư, bảo hiểm, đất đai, tài chính…).

Các bộ, ngành, địa phương có vai trò quan trọng nhất là cơ quan trực tiếp cung cấp và xử lý các thủ tục hành chính. Muốn triển khai các dịch vụ công trực tuyến thực sự hiệu quả, phải xuất phát từ gốc, đó là việc xử lý hồ sơ trực tuyến dựa trên các nền tảng dùng chung, các hệ thống thông tin cung cấp DVCTT tại bộ, ngành, địa phương. Đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn thể người dân được tiếp cận đầy đủ thông tin về các DVCTT do cơ quan nhà nước cung cấp và nhận thức được lợi ích của việc sử dụng DVCTT.

Bên cạnh dịch vụ công trực tuyến, học và làm việc trực tuyến đang thành nhu cầu trong đợt dịch COVID-19, để xu thế này tiếp tục và đi vào chiều sâu, về phía Cục sẽ có những giải pháp nào, thưa ông?

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển hoạt động lên trực tuyến là điều cấp thiết và cần có các biện pháp cụ thể, thiết thực.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bảo trợ Vietnam Remote Workforce công bố loạt giải pháp công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi lên môi trường làm việc trực tuyến, từ xa tại các địa chỉ https//ict.mic.gov.vn và https://remote.vn, với trên 50 gói sản phẩm, giải pháp ưu đãi được các doanh nghiệp cung cấp. Với quy mô hoạt động nhỏ, dễ bị tổn thương bởi khủng khoảng do dịch bệnh COVID-19 gây ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa bức thiết phải chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và sẽ là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ chương trình hỗ trợ này.

Được chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT cũng đã xây dựng giải pháp học trực tuyến và cam kết cung cấp miễn phí cho hệ thống các trường phổ thông và đại học trên cả nước trong mùa dịch. Hiện nay các doanh nghiệp đã tích cực làm việc với các trường học để triển khai sử dụng hệ thống.

Việt Nam có thuận lợi là có những doanh nghiệp viễn thông - CNTT lớn mạnh, có hạ tầng rộng khắp toàn quốc, có nguồn lực tài chính và nhân lực, có thể tạo ra những hạ tầng mang tính nền tảng giúp cho chuyển đổi số nhanh những lĩnh vực lớn và quan trọng như giáo dục, y tế.

Ông đánh giá như thế nào về xu hướng chuyển đổi số trong thời gian tới?

Bộ Thông tin và Truyền thông đã kêu gọi các doanh nghiệp lớn tham gia xây dựng, cung cấp nền tảng để các tổ chức, doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia và thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Với “cú hích” đến từ dịch bệnh COVID-19, chuyển đổi số sẽ diễn ra mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực. Ngày 25/3/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-BTTTT phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số.

Đây là Chỉ thị thứ 2 mà Bộ trưởng chỉ đạo toàn ngành Thông tin và Truyền thông cùng vào cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giúp cuộc sống tiếp diễn bình thường và thúc đẩy phát triển CNTT, chuyển đổi số, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ thị này đã nêu lên 10 nhiệm vụ chính, bao gồm: Phát triển môi trường làm việc số phục vụ nhu cầu công việc; Phát triển hệ thống y tế số phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ; Phát triển hệ thống đào tạo số phục vụ nhu cầu học tập; Phát triển hệ thống tiện ích số phục vụ nhu cầu sinh hoạt; Phát triển hệ thống nội dung số phục vụ nhu cầu giải trí; Phát triển nền tảng số cung cấp dịch vụ vận chuyển; Phát triển hệ thống nhà máy thông minh phục vụ sản xuất; Phát triển các nền tảng thanh toán số; Phát triển các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng; Phát triển cộng đồng hỗ trợ chuyển đổi số Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Xuân Cường/Báo Tin tức
Ứng dụng Bluezone cảnh báo khi tiếp xúc gần với các F0, F1 và F2 như thế nào?
Ứng dụng Bluezone cảnh báo khi tiếp xúc gần với các F0, F1 và F2 như thế nào?

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa giới thiệu ứng dụng Bluezone giúp người dân cảnh báo các ca F thuộc diện cách ly, qua đó bảo vệ bản thân và cộng đồng trước đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN