Trạm Khuyến nông huyện Lâm Thao (Phú Thọ) vừa thử nghiệm thành công giống lúa thuần ngắn ngày CXT30, với quy mô 41 ha tại xã Vĩnh Lại. Giống lúa này cho năng suất, chất lượng vượt trội tại vụ mùa năm 2014. Đây là lần đầu tiên Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chọn giống lúa này trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Cụ thể, qua đánh giá kết quả thực tế cho thấy, giống lúa thuần CXT30 phát triển khỏe, đẻ nhánh sớm, số rảnh hữu hiệu cao, thời gian trỗ bông tập trung và khả năng kháng sâu bệnh tốt. Thời gian sinh trưởng của giống lúa này là 92 ngày, ngắn hơn giống lúa đối chứng (KD18) 5 ngày, phù hợp cho các vụ trong năm, trên chân đất đồng bằng, sâu trũng, phù hợp với việc làm lúa tái sinh. Năng suất giống lúa CXT30 ước đạt 296 kg/sào (tương đương 82 tạ/ha), cao hơn lúa đối chứng KD18 (hiện đang được trồng phổ biến tại địa phương) từ 73-112 kg/sào. Chất lượng gạo thơm, ngon đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thu hoạch lúa tại một HTX. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN. |
Theo cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, giống lúa thuần CXT30 thuộc loại hình cây thấp, đẻ nhánh khỏe, thích hợp với nhiều vùng sinh thái. Tuổi mạ của CXT30 rất ngắn, chỉ 7 - 8 ngày để lúa có thời gian đẻ nhánh, đạt chồi hữu hiệu, lượng giống từ 50 - 60 kg/ha. Lượng phân bón tương đương với các giống lúa khác nhưng bón theo nguyên tắc “nặng đầu, nhẹ cuối”, tập trung cho bón lót và bón thúc sớm, không bón lai rai, bón thừa đạm…
Giống lúa thuần CXT30 có các chỉ tiêu chất lượng gạo khá cao, hơn cả những giống lúa thơm đang có trên thị trường. Tuy nhiên, cán bộ khuyến nông khuyến cáo, do ưu điểm vỏ mỏng để cho tỷ lệ gạo cao nên giống lúa CXT30 dễ bị nẩy mầm trên cây khi gặp thời tiết mưa bão nhiều, nhất là vụ hè thu. Vì vậy, bà con nông dân cầu lưu ý thu hoạch khi lúa vừa chín tới để hạn chế tình trạng này.
Sau khi thăm quan thực tế tại mô hình thử nghiệm, các hộ nông dân xã Vĩnh Lại đã đề nghị UBND huyện Lâm Thao cho phép mở rộng sản xuất giống lúa CXT30 trong những vụ tiếp theo…
Lâm Đào An (TTXVN)