Tàu Hằng Nga 5 được tên lửa Trường Chinh 5 đưa lên vũ trụ vào ngày 24/11 sau 4 lần bị trì hoãn kể từ năm 2017. Theo kế hoạch, tàu thám hiểm của Trung Quốc sẽ tiến hành nghiên cứu bề mặt Mặt Trăng trong 2 ngày và thu thập mẫu đất đá trước khi quay trở về. Để thực hiện sứ mệnh này, tàu được trang bị camera để khảo sát bãi đáp và khu vực lấy mẫu, một máy đo phổ hồng ngoại để phát hiện thành phần vật chất của khu vực lấy mẫu và thiết bị để thăm dò cấu trúc dưới bề mặt. Hằng Nga 5 có tổng cộng 4 mô đun, gồm một tàu quỹ đạo (Orbiter), một tàu đổ bộ mang theo các dụng cụ chuyên dụng để thu thập mẫu vật (Lander), một tàu lấy mẫu vật (Ascender) và một tàu chứa nhỏ để mang các mẫu vật thu được về trái đất an toàn (Returner).
Tàu Hằng Nga 5 là tàu thăm dò thực hiện sứ mệnh lấy mẫu Mặt Trăng đầu tiên trên thế giới trong hơn 40 năm qua. Đây được xem là một trong những sứ mệnh khó khăn và phức tạp nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới thu thập được các mẫu vật chất trên Mặt Trăng, sau Mỹ và Liên Xô cũ.
Trao đổi với báo giới, ông Bùi Triều Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm chương trình thăm dò Mặt Trăng và không gian vũ trụ thuộc Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc, nhấn mạnh sứ mệnh trên sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển công nghệ và khoa học của Trung Quốc, đồng thời đặt nền tảng quan trọng cho kế hoạch khám phá không gian vũ trụ bên ngoài khí quyển và sứ mệnh đổ bộ có người lái trong tương lai của nước này.
Tuy Trung Quốc gia nhập cuộc đua vũ trụ khá muộn nhưng trong nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã “bơm” hàng tỷ USD vào nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực này. Trung Quốc hiện đang xem xét xây dựng một trạm nghiên cứu và tiến hành đưa con người lên Mặt Trăng trong thời gian tới. Hồi tháng 1/2019, một thiết bị thăm dò vũ trụ của Trung Quốc đã thực hiện cuộc "hạ cánh mềm" đầu tiên xuống "mặt tối" của Mặt Trăng và gửi về Trái Đất thành công những bức ảnh đầu tiên ở đây.