Tại sao tàu ngầm lớp Lada khắc tinh đối thủ Sōryū?

Vào tháng 3 vừa qua, ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã sang thăm Nga. Bắc Kinh và Moscow nhanh chóng đạt được hiệp định mua bán vũ khí quan trọng. Trong đó đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc sẽ có 4 chiếc tàu ngầm lớp Lada đầu tiên ngoài Nga. Sự xuất hiện của tàu ngầm lớp Lada trong biên chế quân đội Trung Quốc sẽ đặt tàu ngầm lớp Sōryū của Nhật Bản trước thách thức lớn, đặc biệt là trong vùng biển nông.

Tàu ngầm lớp Sōryū của Nhật Bản. Ảnh: Internet.


Theo tạp chí “The Mirror” số tháng 7 phát hành ở Hong Kong, tàu ngầm lớp Sōryū của Nhật Bản có hai ưu thế lớn. Thứ nhất là khả năng lặn sâu. Trong điều kiện công tác, tàu ngầm lớp Sōryū hoạt động ở độ sâu 350m so với mặt biển, nhưng khi cần thiết có thể đạt tới độ sâu tối đa là 500 m. Trong khi đó, tàu ngầm lớp Lada chỉ có thể lặn sâu tối đa là 300m so với mặt biển. Thứ hai là thiết kế đuôi của tàu ngầm lớp Sōryū có hình chữ X. Đây là thiết kế đuôi tàu ngầm thịnh hành hiện nay, giúp tàu ngầm lớp Sōryū có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với tàu ngầm lớp Lada có thiết kế phần đuôi hình chữ thập truyền thống. Tuy nhiên, "The Mirror” cho rằng hai ưu điểm này của tàu ngầm lớp Sōryū chưa chắc đã trở thành nhân tố quyết định thắng bại. So với tàu ngầm lớp Sōryū, tàu ngầm lớp Lada có 3 ưu thế, lúc nào cũng có thể đặt đối thủ vào nguy cơ bại trận.

Một là khả năng tàng hình. Do tàu ngầm lớp Lada “trẻ” hơn tàu ngầm lớp Kilo 20 tuổi, cho nên những ưu điểm của công nghệ giảm tiếng ồn của tàu ngầm lớp Kilo đều được vận dụng và hoàn thiện hóa để áp dụng vào tàu ngầm lớp Lada. Cộng thêm thiết kế thân tàu hình giọt nước, vỏ tàu chỉ có một lớp, tiếng ồn gây ra bởi tàu ngầm lớp Lada nhỏ hơn nhiều so với tàu ngầm lớp Kilo. Theo giới chuyên gia, độ tĩnh lặng khi hoạt động của tàu ngầm lớp Lada nhỏ hơn 8 lần so với tàu ngầm lớp Kilo.

Bên cạnh đó, vỏ tàu ngầm lớp Lada còn được phủ lớp gốm tiêu âm mới, tuy mỏng hơn của tàu ngầm lớp Kilo một nửa, nhưng có khả năng cách ly âm thanh gây ra bởi các thao tác bên trong tàu. Lớp gốm tiêu âm này còn có thể hấp thụ sóng âm cả bên trong lẫn ngoài tàu, ở chừng mực nhất định có thể làm giảm khả năng phát hiện của đối thủ bằng cảm biến âm thanh. Nhờ vậy, tiếng ồn của tàu ngầm lớp Lada đã giảm xuống dưới 100 dB (decibel, đơn vị đo cường độ âm thanh). Trong khi đó, tiếng ồn của tàu ngầm lớp Sōryū là trên 105 dB. Tạp chí “The Mirror” cho rằng không nên coi nhẹ 5 dB chênh lệch giữa tàu ngầm lớp Lada và tàu ngầm lớp Sōryū này bởi vì 5 dB rất có thể sẽ trở thành ưu thế “đoạt mạng” đối thủ.

Hai là năng lực tấn công. Trên tàu ngầm lớp Lada có tổng cộng 18 đơn vị vũ khí đều có thể phóng bằng 6 ống phóng thuỷ lôi loại 533 mm, bao gồm: ngư lôi chống ngầm SET-80 loại cải tiến, tên lửa đạn đạo chống hạm phóng từ tàu ngầm Biryuza-N, tên lửa chống ngầm SS-N-15 và ngư lôi siêu tốc Shkval. Bên cạnh đó, tàu ngầm lớp Lada cũng được trang bị tên lửa phòng không Igla-1M phóng trên mặt nước nhằm đối phó với máy bay trực thăng. Ngoài ra, bên trong tàu ngầm lớp Lada còn có thiết bị nạp đạn ngư lôi tự động tốc độ nhanh, mỗi lần nạp ngư lôi chỉ cần chưa tới vài chục giây. Khi thực thi nhiệm vụ rải ngư lôi, tàu ngầm lớp Lada có thể mang tới 36 quả thủy lôi.

Tàu ngầm lớp Sōryū cũng có 6 ống phóng thuỷ lôi loại 533 mm, nhưng chỉ có thể phóng được hai loại vũ khí là ngư lôi dẫn đường hạng nặng kiểu 89 và tên lửa chống hạm Harpoon, không bằng một nửa so với tầu ngầm lớp Lada. Vũ khí ít khiến cho năng lực tấn công bị hạn chế. Ví dụ: tàu ngầm lớp Lada có 3 loại vũ khí chống ngầm, nên có thể linh hoạt sử dụng để đối phó với các đối thủ khác nhau, nhưng tàu ngầm lớp Sōryū chỉ có 1 loại, nên chỉ đối phó được với 1 kiểu đối thủ.

Ba là hệ thống động lực. Tàu ngầm lớp Sōryū sử dụng hệ thống cung cấp động lực trên tàu ngầm không phụ thuộc vào không khí ngoài chạy bằng động cơ Stirling (Sterling AIP) còn tàu ngầm lớp Lada được trang bị hệ thống AIP kiểu pin nhiên liệu (fuel cell AIP). Nếu cùng một thể tích, công suất của pin nhiên liệu lớn hơn rất nhiều. Nhờ vậy, tàu ngầm lớp Lada có thể hoạt động dưới nước từ 2 tuần tới 3 tuần trở lên. Trong khi đó, nếu được trang bị 4 động cơ Stirling, thời gian hoạt động dưới nước của tàu ngầm lớp Sōryū cũng chỉ bằng một nửa so với tàu ngầm lớp Lada.

Nói tóm lại, hai ưu thế của tàu ngầm lớp Sōryū đều là ưu thế phần cứng có được từ thiết kế thân tàu. Khi môi trường tác chiến thay đổi, phần cứng này không thể thay đổi, ưu thế sẽ trở thành điểm yếu. Ví dụ: Khi tác chiến ở vùng biển chỉ sâu vài chục mét như Hoàng Hải và biển Hoa Đông, ưu thế lặn sâu tới 500 mét của tàu ngầm lớp Sōryū sẽ trở nên vô tác dụng. Do đó, tàu ngầm lớp Lada tuy nhỏ hơn rất nhiều so với tàu ngầm lớp Sōryū, nhưng hoàn toàn có thể trở thành khắc tinh của tàu ngầm lớp Sōryū, đặc biệt là tại vùng biển nông và vùng biển gần bờ.


Phương Linh

Điều gì đưa tàu ngầm lớp Lada lên ngôi vương?
Điều gì đưa tàu ngầm lớp Lada lên ngôi vương?

Từ khi Nhà máy đóng tàu Admiralty ở thành phố St. Petersburg (Nga) bắt tay đóng chiếc đầu tiên vào năm 1997, tàu ngầm lớp Lada đã trở nên nổi tiếng. Giờ đây, khi Trung Quốc quyết tâm mua tàu ngầm lớp Lada của Nga, cái tên đó lại thu hút sự chú ý lớn của dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN