Phát biểu tại phiên điều trần của Hạ viện Mỹ, ông Whitaker cho rằng với kinh nghiệm 20 năm hoạt động, đáng lẽ SpaceX phải có mức độ vận hành an toàn cao nhất và tuân thủ đầy đủ hệ thống quản lý về an toàn hàng không.
Tuy nhiên, trong năm 2023, công ty này đã thực hiện 2 vụ phóng tên lửa đẩy vào không gian khi chưa có giấy phép, trong khi đây là công cụ duy nhất chứng nhận việc tuân thủ các vấn đề an toàn.
Cũng theo lời người đứng đầu FAA, sở dĩ cơ quan này chưa cấp phép cho SpaceX tiến hành vụ phóng tên lửa đẩy Starship 5 sắp tới là do công ty chưa hoàn thành phân tích tiếng nổ siêu thanh. Dự kiến, việc cấp phép này sẽ khó được thực hiện trước cuối tháng 11 năm nay.
Trong một phản ứng sau đó, SpaceX đã bác bỏ các cáo buộc của Giám đốc FAA, cho rằng những cáo buộc này thiếu cơ sở. Ngoài ra, SpaceX cũng khẳng định công ty này là "nhà cung cấp dịch vụ phóng tàu vũ trụ an toàn nhất, đáng tin cậy nhất trên thế giới", đồng thời cam kết tuyệt đối đảm bảo an toàn trong mọi hoạt động.
Đích thân tỷ phú Elon Musk cũng đã lên tiếng chỉ trích về khoản tiền phạt 633.000 USD do lãnh đạo FAA đưa ra, cho rằng SpaceX đang bị phạt vì "những vấn đề nhỏ", trong khi các vấn đề an toàn thực sự của hãng sản xuất máy bay Boeing lại bị bỏ qua.
Theo thông tin của FAA, vào tháng 6 năm ngoái, SpaceX đã phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh viễn thông của Indonesia từ bệ phóng của Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, bang Florida, khi chưa được FAA phê chuẩn các quy định cuối cùng về an toàn.
Sau đó một tháng, SpaceX tiến hành vụ phóng thứ hai khi cũng chưa được cấp phép và chưa hoàn thành đánh giá về mức độ rủi ro.
Trước đó, vào tháng 2/2023, SpaceX bị FAA đề xuất mức phạt dân sự 175.000 USD vì không nộp một số dữ liệu an toàn cho cơ quan này trước khi phóng vệ tinh Starlink vào tháng 8/2022.