Sau nhiều năm kiên trì phát triển, Samsung Electronics (Hàn Quốc) giờ đây đã trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu thế giới và là một “đại gia” trong rừng điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu. Dù không ít người thán phục, thậm chí là ghen tỵ với sự vươn lên của hãng điện tử đến từ Hàn Quốc, nhưng ít ai biết rằng để có thể viết nên một câu chuyện cổ tích, Samsung đã phải đánh đổi bằng nhiều mồ hôi và công sức. Được sáng lập bởi Chủ tịch Lee-Byung-chul vào năm 1938, Samsung khởi đầu là một công ty nhỏ với chỉ 40 nhân viên chuyên sản xuất và phân phối hàng hóa tại thành phố Deagu (Hàn Quốc). Đến năm 1960, “ông hoàng” này đã thật sự “bén duyên” công nghệ với sản phẩm đầu tay là chiếc tivi đen trắng. Khi ấy Samsung mới chỉ là kẻ "hậu bối" và phải đứng sau rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác như Sony, Toshiba, Sharp, Hitachi... đều của Nhật Bản.
Tuy nhiên, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng cuộc “đại cách mạng” trong chính sách quản lý của Chủ tịch đời thứ hai là Lee Kun Hee (con trai Chủ tịch Lee-Byung-chul), Samsung đã có một cú bứt phá mạnh mẽ để trở thành thương hiệu số một Hàn Quốc và vươn tầm ra thị trường quốc tế, đóng góp gần 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của “xứ Kim chi”, với doanh thu 265 tỷ USD và 425.000 nhân viên (năm 2012).
Đường dẫn tới cánh cửa thành công Vậy, đâu là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công của đế chế Samsung? Công đầu tiên phải kể đến “ông trùm” Lee Kun Hee với câu nói nổi tiếng “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con”. Lee Kun Hee cũng được biết đến với phong cách làm việc “lạ đời” là chỉ làm việc ở nhà mà không đến cơ quan, buộc cấp dưới phải tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định đó. Điều này đã góp phần tạo ra tính kỷ luật cũng như văn hóa “luôn làm mới mình” của Samsung.
Tiếp đến là chính sách đa dạng hóa về sản phẩm. Người xưa vẫn thường nói “Không nên cất toàn bộ trứng vào trong một rổ” và Samsung đã lĩnh hội rất rõ điều này. Gã khổng lồ đến từ Hàn Quốc đã áp dụng một chiến dịch kinh doanh rất khác biệt so với các đối thủ khác như Apple, Google hay Microsoft – những nhà sản xuất chỉ tập trung vào sản phẩm “thế mạnh” như smartphone (Apple), phần mềm máy tính (Microsoft) hay dữ liệu người dùng (Google) – đó là “tận dụng” mọi ngõ ngách trong ngôi nhà của người tiêu dùng. Samsung không ngại thử nghiệm bất cứ điều gì, từ sản xuất điện thoại đến máy tính bảng, từ tủ lạnh đến máy rửa bát, TV, máy giặt... Các sản phẩm của Samsung phủ sóng mọi phân khúc thị trường mà ta có thể mường tượng được.
Khi được hỏi tại sao Samsung vượt trội hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Sony và LG Electronics, Phó Chủ tịch Jayesh Easwaramony thuộc Công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn toàn cầu Frost & Sullivan's ICT trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do Sony và LG không có nhiều phương án thay thế cho những sản phẩm đang “thoái trào”. Ví dụ, trong khi Samsung sở hữu nhiều sản phẩm có thể hỗ trợ cho nhau thì Sony vẫn đang loay hoay với sự đình trệ của sản phẩm máy chơi điện tử và điện thoại. Hơn nữa, thương hiệu cũng như quan hệ của Sony đối với các kênh phân phối và các nhà vận chuyển vẫn chưa thật sự vươn tầm ra thế giới mà mới chỉ bó hẹp tại Nhật Bản.
Rõ ràng ngày nay, trong bối cảnh thị trường công nghệ đang “bội thực” với ngày một nhiều các sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng,... thì Samsung đã chọn cách khôn ngoan là tập trung vào khâu tiếp thị, thay vì đổi mới, cách tân sản phẩm. Hãng công nghệ Hàn Quốc được cho là đã dành ra khoảng 14 tỷ USD vào khâu tiếp thị và quảng cáo sản phẩm trong năm 2013, con số lớn nhất (tính theo tỷ lệ % trên tổng doanh thu) đối với bất kỳ công ty nào. Bên cạnh đó, việc trở thành nhà tài trợ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea hay các chương trình ăn khách như "the X-factor" (Nhân tố bí ẩn) và Olympics cũng khiến tên tuổi Samsung trở nên “nổi như cồn” trên thế giới. Kết quả là bằng chiến lược tiếp thị tuyệt hảo của mình, Samsung đã ngăn chặn những thất bại, thúc đẩy sự thành công và giữ vững vị trí của mình trên đỉnh của lĩnh vực kinh doanh công nghệ.
Vị thế có lung lay?
Nhắc đến thành công của Samsung, người ta không thể không kể đến “vũ khí” smartphone đang “làm mưa làm gió” trên thị trường thế giới, mang lại cho họ những khoản lợi nhuận lớn. Còn nhớ năm 2007, khi chiếc điện thoại iPhone của Apple thống trị bảng xếp hạng doanh số bán hàng toàn cầu, trong khi các hãng sản xuất điện thoại khác như Nokia và Motorola vẫn “án binh bất động” thì Samsung đã nhận ra được điều mà khách hàng muốn, từ đó đưa ra những chiến lược phù hợp để đáp ứng những nhu cầu đó. Khác với Apple chỉ tập trung vào những “siêu phẩm” dành cho khách hàng hạng sang, Samsung thể hiện sự khôn ngoan của mình bằng cách cung cấp các dòng điện thoại đa dạng, có khả năng phục vụ nhiều phân khúc khách hàng.
Bên cạnh đó, các dòng điện thoại của Samsung tuy không có quá nhiều đột phá về tính năng, nhưng lại “ghi điểm” nhờ mức giá hợp lý và hình thức đẹp. Lee Epting, Phó Chủ tịch trung tâm Giải pháp Giải trí của Samsung, cho rằng thiết bị và ứng dụng điện thoại có hình thức “long lanh” là hai yếu tố “sống còn” đối với phân khúc điện thoại di động. Theo ông Epting, khách hàng thường quan tâm nhiều đến yếu tố “ngoại hình” hơn là hệ điều hành của một chiếc điện thoại. Với phương châm hoạt động nỗ lực không ngừng và sản xuất những gì mình thấy cần thiết, Samsung đã có thể hái “quả ngọt” và trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, gián tiếp đẩy lùi và làm lu mờ nhiều thương hiệu điện thoại di động lớn như Nokia hay Motorolla.
Câu chuyện cổ tích về Samsung “hóa rồng” sẽ còn được kể mãi về sau này. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày một toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt thì Samsung lại đang đứng trước những thách thức nhất định. Số liệu do hãng nghiên cứu thị trường Gartner mới công bố cho thấy thị phần của hãng sản xuất thiết bị điện tử số một thế giới trong phân khúc điện thoại thông minh toàn cầu đã sụt giảm đáng kể trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ đến từ Trung Quốc như Huawei, Xiaomi và Lenovo. Doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu của Samsung đạt 73,21 triệu chiếc trong quý III/2014, chiếm 24,4% tổng doanh số toàn cầu. Mặc dù vẫn giữ được ngôi vị cao nhưng thị phần của “ông vua” điện thoại thông minh đã giảm đến 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các số liệu sơ bộ cũng cho thấy lợi nhuận của Samsung trong quý IV/2014 đã giảm 37,42% so với một năm trước đó, xuống còn 5.200 tỷ won (4,7 tỷ USD).
TTXVN/Tin tức