Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp này, sự tham gia của doanh nghiệp đồng hành cùng với Chính phủ và các cấp chính quyền. Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, 90% doanh nghiệp quan tâm chuyển đổi số, quản trị số. Tuy nhiên chỉ có 40% doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư chuyển đổi số.
Bà Định Thị Thúy, Tổng giám đốc MISA cho biết: Với các doanh nghiệp khi chuyển đổi số, việc đầu tiên mà chủ doanh nghiệp cần xác định là vấn đề hiệu quả. Thống kê từ các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số cho thấy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp gấp 2-3 lần. Rào cản lớn nhất thực hiện chuyển đổi số phải từ nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp và kinh phí đầu tư. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết tâm thực hiện chuyển đổi số sẽ có kế hoạch cụ thể và nếu gặp khó khăn thì không bàn lùi mà họp bàn giải quyết.
“Việc áp dụng chuyển đổi số không thể ồ ạt mà tùy từng loại hình, quy mô doanh nghiệp. Chẳng hạn như doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ quan tâm tới kế toán, hóa đơn, liên thông với ngân hàng. Doanh nghiệp vừa sẽ quan tâm đến thống nhất quản trị doanh nghiệp giữa các khối phòng ban… Mỗi loại hình sẽ có nền tảng chuyển đổi số khác nhau”- bà Định Thị Thúy chia sẻ
Trao đổi về chuyển đổi số, ông Nguyễn Hữu Kiều, Chủ tịch HĐQT Công ty MG Land cho biết: Công ty đã tìm hiểu nghiên cứu phần mềm quản trị số từ nước ngoài với giá khá cao và thất bại cũng có. Khi đã có quyết tâm chuyển đổi số, đơn vị tìm hiểu thị trường để có sản phẩm thương hiệu nhằm áp dụng cho hiệu quả. Sản phẩm công nghệ thông tin có những mặt mạnh nhưng chưa được quảng bá và biết đến. Do đó, cần có sự trao đổi thông tin, so sánh với sản phẩm với nước ngoài để có lựa chọn phù hợp.
Ông Mạc Quốc Anh cho biết: Để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn và có sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Việt Nam có 5 triệu hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, là thị trường lớn cho áp dụng ứng dụng nền tảng số của Việt Nam. Vấn đề là các doanh nghiệp công nghệ số phải nắm bắt nhu cầu, giới thiệu được những tiện ích để họ tham gia bên cạnh sự tuyên truyền và chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Theo Cục Tin học hóa, đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông giao chủ trì soạn thảo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng xác định một yếu tố được nhấn mạnh trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là khi chuyển đổi từ không gian truyền thống lên không gian mạng, nhận thức đóng vai trò quan trọng nhất, vì vậy nhận thức phải đi trước một bước.
Trên cơ sở xác định nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã nêu rõ, chuyển đổi nhận thức là một trong 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tạo nền móng cho chuyển đổi số. Cụ thể, cần chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội, lan truyền từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao.