Giới chức Mỹ ngày 20/11 đã bày tỏ quan ngại về việc máy bay ném bom hạt nhân tầm xa của Trung Quốc có thể tấn công các mục tiêu là các căn cứ quân sự “bất khả xâm phạm” của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Máy bay ném bom Hongzha-6K của Trung Quốc. Ảnh: AP
|
Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế về Trung Quốc của Mỹ cảnh báo rằng Trung Quốc “đang ngày càng mở rộng và đa dạng hóa nhanh chóng” khả năng tấn công vào các căn cứ quân sự, tàu chiến cũng như máy bay chiến đấu của Mỹ ở Thái Bình Dương, thậm chí Trung Quốc có thể tấn công đảo Guam - một căn cứ chiến lược của Washington trong việc triển khai chiến lược “xoay trục” tại khu vực.
Ủy ban Trang bị Quân sự thuộc Hạ viện Mỹ đã lên kế hoạch thảo luận về khả năng của máy bay ném bom Hongzha-6K của Trung Quốc sau khi nhận được báo cáo về những thông tin trên. Hongzha-6K là loại máy bay ném bom tầm xa đầu tiên của Trung Quốc. Nó có thể mang theo 6 quả tên lửa hành trình tầm xa có đầu đạn hạt nhân, khoang đạn ở thân máy bay còn có thể treo 1 quả.
Trên thế giới, máy bay ném bom của châu Âu tuy có thể mang theo trên 10 tấn bom, nhưng lại không thể mang theo tên lửa hành trình, trong khi đó, H-6K hoạt động tầm xa và được trang bị tên lửa hành trình, nên nó có năng lực tấn công và răn đe chiến lược.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích chính trị Kim Petersen lại cho rằng máy bay ném bom hạt nhân tầm xa trên không phải là mối đe dọa đối với Mỹ. Đây chỉ là loại vũ khí nhằm răn đe và “bảo vệ mình” trước các cuộc tấn công tiềm năng.
"Mỹ không bị bao vây bởi các căn cứ quân sự của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng không có các căn cứ quân sự tại Canada, biển Caribe hay Mexico. Trung Quốc cũng chưa có tàu sân bay đang hoạt động ngoài khơi. Vì vậy, những gì mà nước này đang cố gắng làm là tăng khả năng răn đe và tự phòng vệ trước các cuộc tấn công có thể”, ông Petersen nói
CT (theo Foreignpolicy)