Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Việc tổ chức diễn đàn và lễ trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam" bước đầu khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đi nhanh và xa hơn thì Việt Nam phải hướng tới những lĩnh vực có khả năng đột phá. Do đó, Chính phủ xác định cộng đồng khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp số có vai trò quan trọng trong việc tạo những bước bứt phát trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Những doanh nghiệp đạt giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam thể hiện được khát khao vươn lên và làm chủ công nghệ số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chỉ thị đầu tiên năm 2020 là Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Sau một năm, đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Hiện Việt Nam có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp công nghệ số. Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.
“Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Thúc đẩy tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Thay vì làm gia công, lắp ráp thì người Việt Nam hãy làm sản phẩm, giải bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu. Một bất ngờ khác là khả năng nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ số phòng chống COVID-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới. Từ những ứng dụng Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời COVID-19. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Viet Nam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Make in Viet Nam trong năm 2020 cũng thúc đẩy các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đã làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G.
“Muốn Make in Viet Nam thì phải làm chủ công nghệ. Lời giải cho làm chủ công nghệ của Việt Nam là công nghệ mở. Diễn đàn Viet Nam Open Summit tháng 11/2020 đã tuyên bố chiến lược công nghệ mở. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.
Năm 2021 dự báo sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với nhiều và rất nhiều sản phẩm Make in Viet Nam.
Việt Nam đã có tên trên bản đồ công nghệ thế giới
Chia sẻ về những câu chuyện về phát triển Make in Vietnam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng: Cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có FPT hưởng ứng nhiệt liệt hoạt động chuyển đổi số bởi khát vọng làm chủ và sáng tạo công nghệ, muốn Việt Nam vươn ra thế giới. Chia sẻ về hành trình đi làm các phần mềm, ông Bình cho biết đã có những lúc thất bại và lẻ loi khi công ty mở cửa tại Silicon Valley (Mỹ) đều phải đóng cửa vì không tạo ra doanh thu. Nhiều năm sau, công ty đầu tiên của FPT mở tại Nhật Bản mới có lãi. Từ không có khách hàng nào, FPT nay đã có đến 700 khách hàng, trong đó nhiều doanh nghiệp top đầu. Từ một đơn vị nhỏ bé, FPT đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh không chỉ ở Việt Nam mà cả những thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ.
Bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group, đại diện cho doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng: "Công nghệ số xoá đi khoảng cách giữa những lĩnh vực, quốc gia, doanh nghiệp. Công nghệ số tạo ra kinh tế số với một tiềm năng rất lớn".
Các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài mang đến những giá trị trước mắt, bà Phương nhận ra rằng nếu doanh nghiệp trong nước không đứng lên, làm chủ những mảng kinh doanh cốt lõi sẽ thua ngay trên sân nhà. Người Việt Nam cần làm chủ công nghệ, hệ sinh thái số thuần Việt để cạnh tranh và vươn ra thế giới.
Với bản thân Be Group, ứng dụng gọi xe đến ngày hôm nay sở hữu 30% thị phần tại Việt Nam, được cho là nỗ lực lớn của một doanh nghiệp Việt trước các đối thủ lớn. Bà Phương mong muốn xây dựng một mạng lưới với vận chuyển, logistics, giao thông, tài chính thanh toán, du lịch. Hệ sinh thái này đảm bảo tính hoàn thiện cho khách hàng khi không phải sử dụng thêm nhiều các ứng dụng khác.
Còn bà Định Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty MISA cho biết: Chiến lược phát triển sản phẩm Make in Vietnam của MISA hướng đến mục tiêu giải quyết chính những vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam, cho người Việt khi giải quyết bài toán chuyển đổi số cho chính cộng đồng hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp Việt, các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học. Với hai giải pháp, nền tảng lọt Top 10 giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam, MISA sẽ tiếp tục nỗ lực hơn trong việc thiết kế, sáng tạo mang hàm lượng chất xám, trí tuệ Việt cao hơn để góp phần giải quyết các bài toán cho người Việt và nâng cao vị thế quốc gia
14 sản phẩm được vinh danh đều mang đến các giải pháp tiêu biểu, giúp ích cho côjng đồng, thể hiện chất xám, và trình độ công nghệ của Việt Nam và có sức cạnh tranh với thế giới:
Giải thưởng tiềm năng công nghệ số:
- Giải Nhất: AI Smart Warning - nhận diện và đưa ra cảnh báo qua camera AI giám sát.
- Giải Nhì: Mô phỏng 3D cơ thể người - "Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe" của trường Đại học Duy Tân.
Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số:
- Giải Nhất: VNPT Edu - hệ sinh thái giáo dục thông minh.
- Giải Nhì: Vỏ sò - sàn thương mai điện tử của Viettel Post.
- Giải Ba: Hocmai.vn - dịch vụ giáo dục trực tuyến cho học sinh phổ thông từ lớp một đến lớp 12.
Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc:
- Giải Nhất: OneATS - giải pháp số của Công ty One ATS
- Giải Nhì: AI trợ lý bác sĩ DrAid - nâng cao khả năng chẩn đoán hình ảnh chính xác trong X-quang.
- Giải Ba: Viettel OCR - giải pháp nhận diện ký tự tiếng Việt, chuyển từ ảnh sang text.
Giải thưởng sản phẩm số xuất sắc:
- Giải Nhất: Akabot 2 - giải pháp tự động hoá cho từng quy trình của doanh nghiệp.
- Giải Nhì: Viettel Pay - nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.
- Giải Ba: VNPT eKYC - nền tảng xác thực danh tính người dùng bằng công nghệ hiện đại.
Giải thưởng nền tảng số xuất sắc:
- Giải Nhất: Base.vn - nền tảng quản trị và điều hành doanh nghiệp số
- Giải Nhì: Be - ứng dụng gọi xe công nghệ
- Giải Ba: FPT.AI - nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện