Theo ông Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, dịch vụ viễn thông 5G giúp Long An từng bước hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh. Qua đó, giúp tỉnh đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, xây dựng chính quyền các cấp gần dân, vì dân hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kinh tế số trở thành nền tảng cốt lõi thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển nhanh và bền vững theo chiều sâu, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành một trong những mục tiêu quan trọng là phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh trên địa bàn.
Ông Nguyễn Bá Luân mong rằng, thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội tiếp tục ưu tiên đầu tư mở rộng vùng phủ sóng 5G trên địa bàn tỉnh để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Các doanh nghiệp viễn thông khác như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) – Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile… sớm triển khai cung cấp dịch vụ 5G giúp tỉnh chuyển đổi số thành công.
Mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) ra mắt thương mại đầu tiên trên thế giới năm 2019, đáp ứng yêu cầu băng thông siêu rộng, tốc độ siêu cao (gấp từ 10-50 lần so với 4G), độ trễ thấp, độ tin cậy cao và yêu cầu số lượng kết nối lớn mà 4G không đáp ứng được. Ở Việt Nam, Viettel là đơn vị tiên phong trong việc xin giấy phép và thực hiện thử nghiệm công nghệ 5G từ tháng 5/2019 với cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam (5G First call) và đưa dịch vụ thử nghiệm tới khách hàng. Phát sóng dịch vụ 5G tại Long An, Viettel tạo điểm nhấn truyền thông, kích cầu góp phần phục hồi kinh tế trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc thử nghiệm dịch vụ 5G là tiền đề quan trọng để sớm triển khai trên diện rộng dịch vụ này trong thời gian tới.