Thực tế cho thấy nhiều công ty đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 nhưng thừa nhận sẽ cần phải mua hoặc tạo ra tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải không thể loại bỏ trong quá trình hoạt động. Trong bối cảnh đó, Quy tắc thực hiện các tuyên bố, do tổ chức Sáng kiến minh bạch thị trường carbon tự nguyện (VCMI) đưa ra với sự hậu thuẫn của Chính phủ Anh, nhằm giúp các nhà đầu tư xác định liệu những tuyên bố về sử dụng tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải không thể loại bỏ của các công ty có đáng tin cậy hay không.
Theo quy tắc trên, các công ty ở tất cả các thứ hạng cần cam kết công khai việc đạt mục tiêu khí thải ròng trên cơ sở khoa học muộn nhất vào năm 2050. Các công ty cũng cần đặt ra mục tiêu tạm thời về cách thức để đạt được điều này. Để được xếp hạng Bạch kim, các công ty phải mua các tín chỉ carbon bù đắp 100% lượng khí thải chưa được xử lý của họ. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với công ty xếp hạng Vàng ít nhất là 60% và công ty xếp hạng Bạc ít nhất là 20%.
Giám đốc điều hành VCMI Mark Kenber cho biết các tiêu chuẩn mới là cần thiết để giúp hiểu rõ hơn những tuyên bố về khí hậu mà các công ty thường sử dụng đa dạng thuật ngữ. Ông Kenber cho rằng có quá nhiều thuật ngữ được dùng và bị lạm dụng.
Tín chỉ bù đắp carbon được tạo ra từ các dự án như trồng cây hoặc chuyển sang sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm hơn. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ môi trường nghi ngờ việc sử dụng những tín chỉ này, lo ngại rằng các công ty hành động không đủ mạnh để đạt được mức cắt giảm khí thải thực tế và một số dự án có thể không đảm bảo về vấn đề môi trường.
Do vậy, theo ông Kenber, các doanh nghiệp cần sử dụng các dụng tín chỉ carbon đạt tiêu chuẩn do Hội đồng minh bạch về thị trường carbon tự nguyện (ICVCM) xây dựng. Trong khi chờ đợi các tiêu chuẩn được đưa ra dự kiến vào cuối năm nay, các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng tín chỉ carbon đáp ứng các tiêu chuẩn của ngành hàng không được đặt ra theo Cơ chế giảm bù đắp phát thải carbon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA).