Các bước đi mới được Phó Chủ tịch Facebook Guy Rosen công bố ngày 10/4 được mô tả như một phần của chiến dịch mà mạng xã hội này đã triển khai từ 3 năm trước nhằm "gỡ bỏ, giảm thiểu và thông báo" nếu phát hiện những nội dung có vấn đề được đăng tải trên các dịch vụ của mạng xã hội hàng đầu này.
Ông Rosen cho biết các bước đi mới bao gồm gỡ bỏ các thông tin vi phạm chính sách của Facebook, hạn chế lan truyền các nội dung có vấn đề kể cả khi những nội dung này không vi phạm qui định và cung cấp cho người dùng những thông tin đính kèm để họ có thể lựa chọn có nên truy cập thông tin, đọc hay chia sẻ thông tin hay không.
Facebook cũng thực hiện hàng loạt các cập nhật tính năng mới cho phép phát hiện và ngăn chặn các nhóm có hành vi sai phạm và quản trị viên nhóm đó, cũng như ngăn chặn tình trạng mạo nhận danh tính. Mạng xã hội toàn cầu này cho biết sẽ siết chặt việc chia sẻ những thông tin không phù hợp giữa các thành viên trong các nhóm dù đó là những nhóm kín nhưng có thể gây hoang mang và kích động những hành vi bạo lực.
Trong quá trình đánh giá các nhóm, Facebook sẽ đặc biệt chú ý tới những đăng tải được trưởng nhóm thông qua hoặc không thông qua để xác định xem những nội dung này có vi phạm qui định của mạng xã hội này không. Facebook cũng sẽ bổ sung tính năng "đánh giá chất lượng nhóm", cung cấp đánh giá về nội dung được gắn thẻ, bị gỡ bỏ hoặc phát hiện là thông tin sai lệch. Bắt đầu từ ngày 10/4, nếu người dùng trong một nhóm liên tục chia sẻ nội dung bị cho là sai lệch, Facebook sẽ cắt giảm qui mô phát thông báo chung về thông tin mới của nhóm.
Facebook cũng sẽ hợp tác với các chuyên gia bên ngoài để tìm thêm các biện pháp giúp nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn thông tin sai lệch. Một ý tưởng mà Facebook đã manh nha từ năm 2017 là liệt kê các thành viên của mạng xã hội thường dẫn các nguỗn báo chí để chứng thực hay phản bác các nội dung trực tuyến. Facebook cũng thêm một mục vào trang web tiêu chuẩn cộng đồng Facebook để người dùng có thể theo dõi những cập nhật mà trang mạng này đã thực hiện.
Về việc gắn chỉ số đánh giá độ tin cậy vào các thông báo mới, Facebook cho biết chỉ số đánh giá được Hiệp hội các tổ chức thông tin Trust Project thực hiện. Hiệp hội này chuyên đưa ra các thông tin đánh giá về một tổ chức thông tin và những tiêu chuẩn về độ cân bằng, chính xác. Ngoài ra, Facebook cũng sẽ gắn mác "đã được kiểm chứng" với các nội dung trò chuyện trên Messenger nhằm ngăn chặn các nội dung mạo nhận. Công cụ này sẽ giúp người dùng nhận diện những tài khoản đã được kiểm chứng và tránh những kẻ quấy rối mạo nhận là người có chức sắc.
Thời gian qua, mạng xã hội Facebook và các nền tảng trực tuyến khác liên tục vấp phải sự chỉ trích của công chúng cũng như bị các cơ quan quản lý "để mắt" tới nhiều hơn vì để tình trạng lan truyền thông tin giả mạo gia tăng mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.