Trong một cuộc phỏng vấn, CEO Facebook cho biết một chế độ làm chậm tín hiệu "có thể" hạn chế số lượng người xem một video trực tiếp như video ghi lại cảnh hung thủ đi vào nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand và nổ súng.
Ông Zuckerberg nói: "Nhưng về cơ bản, nó cũng sẽ phá vỡ mọi thứ khi livestream cho mọi người". Ông nói rằng việc livestream không chỉ là phát sóng - đó là "giao tiếp," bởi vì mọi người bình luận trong thời gian thực, "vì vậy, một sự chậm trễ sẽ phá vỡ điều đó".
Sau vụ xả súng kinh hoàng ở thành phố Christchurch, New Zealand, Facebook thừa nhận rằng các hệ thống trí tuệ nhân tạo của họ đã không thể "bắt" được video phát trực tiếp về vụ tấn công.
Hung thủ đã livestream cuộc tấn công trên Facebook trong 17 phút. Facebook, YouTube và Twitter sau đó đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay để ngăn chặn sự lây lan của các phiên bản video vụ xả súng được tải lên lại.
Ông Zuckerberg nhấn mạnh: "Đó là một sự kiện thực sự khủng khiếp. Chúng tôi cần xây dựng các hệ thống của mình để có thể xác định các sự kiện khủng bố khi phát trực tiếp nhanh hơn".
Mới đây, ông Zuckerberg cũng đã có một bài xã luận đăng trên báo Washington Post (Mỹ) kêu gọi các chính phủ bổ sung thêm quy định về quản lý Internet.
Sau khi thủ phạm vụ xả súng nhằm vào 2 nhà thờ Hồi giáo tại Christchurch phát trực tiếp hình ảnh thực hiện vụ xả súng khiến 50 người thiệt mạng trên tài khoản Facebook của mình, phía mạng xã hội này đã cam kết thắt chặt các qui định bao gồm cấm phát trực tiếp với những người dùng từng có phát ngôn hận thù hoặc vi phạm các qui định của mạng xã hội này.
Facebook cũng đang đầu tư nâng cấp phần mềm giúp phát hiện nhanh những phiên bản đã qua chỉnh sửa của những video hoặc hình ảnh bạo lực để ngăn chặn chia sẻ hoặc đăng lại những nội dung này.