Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Tại các phiên thảo luận chính diễn ra ngày 27/5 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam - Asia DX Summit 2025) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, các đại biểu đều cho rằng, doanh nghiệp công nghệ số Việt đang ở thời điểm "vàng" để bứt phá, làm chủ các công nghệ chiến lược, tận dụng chính sách hỗ trợ của chính phủ và khai thác thị trường chuyển đổi số giàu tiềm năng, vươn ra thế giới.
Lực lượng tiên phong kiến tạo tương lai số
Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế bằng tinh thần làm chủ công nghệ, sáng tạo các sản phẩm, giải pháp trí tuệ Việt Nam và không ngừng đổi mới để vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Với nền tảng là nguồn nhân lực trẻ, linh hoạt cùng khát vọng hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp Việt đang trở thành lực lượng tiên phong trong kiến tạo tương lai số, đóng góp quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế số chiếm 50% GDP vào năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 57 NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn phát triển các sản phẩm công nghệ chiến lược để đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ các công nghệ. Một số nhóm các công nghệ chiến lược đang được chú trọng nghiên cứu và phát triển hiện nay bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu (Data Science); Internet vạn vật (IoT); mạng di động 5G, 6G; công nghệ chuỗi khối (Blockchain); an ninh mạng, chip, bán dẫn...
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam nhấn mạnh, từ chỗ chủ yếu gia công, các doanh nghiệp Việt đã và đang tự tin bước lên nấc thang cao hơn: làm chủ công nghệ, sáng tạo sản phẩm và giải quyết những bài toán lớn của đất nước. Tính đến đầu năm 2025, Việt Nam đã có trên 54.500 doanh nghiệp công nghệ số. Không chỉ tăng về số lượng, năng lực của các doanh nghiệp cũng được khẳng định. Một số tập đoàn lớn như: Viettel, FPT, VNPT, MISA, One Mount đã nhận nhiệm vụ đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghệ lõi để giải quyết một số bài toán lớn của quốc gia.
Khát vọng làm chủ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam gặp đúng thời điểm “vàng” thị trường chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ trong nước bùng nổ mạnh mẽ, mở ra không gian phát triển rất lớn. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số tăng từ 30% vào năm 2021 lên gần 70% vào năm 2024, chính phủ số đang phát triển mạnh với hơn 95% dịch vụ công cấp độ 4. Kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP năm 2024, hướng tới mục tiêu 20% GDP vào năm 2025. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đã tạo ra một cuộc cách mạng trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Chia sẻ về chiến lược công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển đột phá trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược tự chủ công nghệ mà trước hết cần làm chủ công nghệ AI. Tiếp theo là tự chủ dữ liệu, nhất là trong bối cảnh đang thiếu dữ liệu chất lượng. Do vậy phải đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện các ngành y tế, giáo dục, hành chính công và khuyến khích chia sẻ nguồn dữ liệu công cộng, phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. Doanh nghiệp Việt Nam cần tự chủ hạ tầng AI để rút ngắn thời gian thử nghiệm một ý tưởng, mở ra tiềm năng lớn trong nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa công nghệ.
Hợp tác chuyển đổi số Việt Nam – châu Á
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Stan Singh, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) cho biết, châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực đầu tàu tăng trưởng kinh tế số. Khu vực này dự kiến chi tiêu hơn 1.000 tỷ USD vào chuyển đổi số trong năm 2025. Các quốc gia trong khu vực đang ưu tiên một số công nghệ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi số. Đầu tiên là công nghệ AI. Việt Nam đã ứng dụng AI trong y tế (phát hiện ung thư), dịch vụ công. Với Thái Lan, 70% truy vấn của chính phủ được xử lý bằng chatbot AI, cải thiện hiệu quả dịch vụ công. Tại Malaysia, AI được ứng dụng hỗ trợ bảo trì dự đoán, giảm thời gian ngừng hoạt động trong sản xuất. Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) tập trung ứng dụng AI trong sản xuất bán dẫn và công nghệ cao.
Một số quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á đã đầu tư phát triển công nghệ xanh và thông minh. Điển hình là Đài Loan (Trung Quốc) kết hợp AI và IoT trong sản xuất thông minh để tối ưu hóa quy trình và giảm tác động môi trường. Các nền kinh tế khác trong ASOCIO đề cao công nghệ xanh như một chiến lược phát triển bền vững. Cùng với đó, công nghệ 5G và hạ tầng mạng phát triển nhanh chóng tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó Việt Nam đã đầu tư mạnh vào 5G để thúc đẩy chuyển đổi số trong công nghiệp.
Các đại biểu tại tọa đàm "Chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ - Đột phá vươn mình".
Với hơn 1.000 doanh nghiệp công nghệ đang cung cấp dịch vụ số cho hầu hết các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới như: Mỹ, Nhật, châu Âu, Hàn Quốc… tạo ra doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm, các đại biểu đánh giá Việt Nam là một trong những trung tâm dịch vụ số toàn cầu. Các đại biểu quốc tế đưa ra những sáng kiến hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng đột phá trong chuyển đổi số tại Việt Nam.
Theo ông Junya Kawamoto, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác quốc tế của Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA), Nhật Bản có nhu cầu lớn và mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam để phát triển ứng dụng AI trong y tế, giáo dục và sản xuất.
Ông Stan Singh, Chủ tịch ASOCIO cho rằng, các nền kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương xem công nghệ xanh là xu hướng hợp tác quan trọng. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần nắm bắt và làm chủ xu hướng này để mở rộng hợp tác trong tương lai.
Trong khi đó, bà Ivy Chang, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội dịch vụ công nghệ thông tin Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, Đài Loan có thể chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ để Việt Nam triển khai 5G hiệu quả hơn, hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ bán dẫn; đồng thời cần hợp tác với Việt Nam để phát triển ứng dụng AI trong y tế, giáo dục và sản xuất xanh, thông minh.
Để thúc đẩy tăng trưởng chung của khu vực, các đại biểu thống nhất các nền kinh tế và doanh nghiệp công nghệ châu Á tập trung nghiên cứu những công nghệ mới như điện toán lượng tử, 6G và ứng dụng AI tiên tiến trong y tế, sản xuất, tài chính; thiết lập chương trình trao đổi nhân tài xuyên biên giới; đồng thời, chia sẻ hạ tầng và tài nguyên để phát triển trung tâm dữ liệu, dịch vụ đám mây và nền tảng AI chung; hợp tác để hài hòa hóa quy định và tiêu chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xuyên biên giới…
* Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (27-28/5) đã diễn ra Triển lãm công nghệ số. Gần 40 gian hàng của các doanh nghiệp công nghệ số trong nước, quốc tế đã tham gia trưng bày trực tiếp và trực tuyến tại triển lãm; trong đó có những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam như: Viettel SoftWare, Công ty Cổ phần Misa, OSBC - Công ty hàng đầu tại Hàn Quốc trong quản trị nguồn mở về giấy phép và lỗ hổng bảo mật. Cùng với giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ đến cộng đồng doanh nghiệp, triển lãm là cơ hội gặp gỡ, trao đổi hiệu quả giữa doanh nghiệp và Nhà nước, giữa các doanh nghiệp trong nước và đối tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ số.