Các cán bộ được tập huấn về lý thuyết và thực hành điều khiển thiết bị bay theo sơ đồ bố trí khảo nghiệm tại ruộng lúa thuộc xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bích Hồng/TTXVN
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học, bigdata (dữ liệu lớn)…
Trong những năm gần đây, UBND thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân chuyển đổi số trong nông nghiệp như mua máy móc, thiết bị, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái... nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bảo vệ môi trường trị giá hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2024 thực hiện tại thị xã Sơn Tây và các huyện: Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai được hỗ trợ về máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp. Năm 2025, dự kiến thực hiện tại các huyện: Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Quốc Oai. 49 cơ sở sẽ nhận được hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội. Dự kiến kinh phí hỗ trợ là 6,551 tỷ đồng.
Trong 2 năm 2024-2025, UBND thành phố Hà Nội bố trí khoảng 11 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái (Drone/UAV) cho các tổ chức, cá nhân.
Thiết bị bay không người lái sẽ thay thế người nông dân thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Cụ thể, trong năm 2024, Hà Nội thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Quốc Oai. Diện tích hỗ trợ 24.972 ha, với tổng kinh phí 6,243 tỷ đồng.
Năm 2025, thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Quốc Oai, Phú Xuyên. Dự kiến diện tích thực hiện là 18.959 ha. Tổng kinh phí hỗ trợ là 4,74 tỷ đồng.
Drone/UAV nông nghiệp là thiết bị bay không người lái sử dụng trong canh tác nhằm giám sát sự tăng trưởng của cây trồng giúp cho tìm biện pháp chăm bón để tăng sản lượng.
Thông qua việc sử dụng các cảm biến tiên tiến và máy chụp ảnh kỹ thuật số đặt trên thiết bị bay không người lái nông dân có thể thu thập hình ảnh phong phú hơn về các cánh đồng rộng lớn của mình. Thông tin thu được từ các thiết bị như vậy rất hữu ích trong việc chọn lựa cách thức tưới và chăm bón, nâng cao hiệu quả diện tích gieo trồng.
Hệ thống máy đo thời tiết khí hậu ở khu vực sản xuất rau Việt Gap (Hà Nội). Ảnh: KNHN
Tại nhiều cơ sở sản xuất, người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi quy trình chăm sóc, theo dõi, quản lý cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ thông tin với máy tính, điện thoại thông minh. Những ứng dụng này giúp giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng khoảng 30% năng suất, từ đó mang lại thu nhập cao hơn.
Tại Hà Nội, hiện có hơn 900ha diện tích trồng trọt được người nông dân áp dụng công nghệ số. Theo chia sẻ của anh Vũ Văn Trường ở Thường Tín (Hà Nội), từ khi gia đình anh sử dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp đã giúp tiết kiệm được lượng phân bón, kiểm soát được nhiệt độ, ánh sáng... giúp cây trồng tăng trưởng tốt, tăng năng suất. Đặc biệt, nhờ kỹ thuật số việc sản xuất nông nghiệp của gia đình anh chủ động được đơn hàng theo yêu cầu của khách hàng, không còn cảnh lo lắng "được mùa rớt giá" nữa.
Đồng quan điểm này, anh Tạ Văn Quang, chủ vườn lan ở huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, nhờ đưa công nghệ số vào quy trình trồng lan, gồm: Quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, quản lý sinh trưởng... mà gia đình anh có thể chủ động kế hoạch sản xuất để có hoa thu hoạch quanh năm hay điều khiển hệ thống tưới, bảo đảm dinh dưỡng cho cây trồng, tiết kiệm phân bón và nhân công...
Sau sản xuất, thay vì phụ thuộc thương lái, chuyển đổi số giúp nông dân đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, kênh thương mại điện tử, mạng xã hội... Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, để giúp người dân quảng bá sản phẩm và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng thời gian qua, Hà Nội có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đưa nông lâm thủy sản lên các nền tảng thương mại điện tử.
Năm 2024, số lượng nông sản giao dịch trên các sàn thương mại điện tử tăng 30% so với năm trước. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai, ứng dụng marketing số để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu thông qua mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo…), website, ứng dụng di động, qua đó tăng cường nhận diện, thu hút khách hàng từ nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Sản xuất nông nghiệp trong các nhà màng ở huyện Hoài Đức - Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà/TTXVN
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp hiện nay còn khó khăn do cơ sở hạ tầng số chưa hiệu quả, nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế… Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường chuyên gia nông nghiệp cho biết, hiệu quả từ chuyển đổi số trong nông nghiệp là rất rõ ràng và là hướng đi tất yếu trong tương lai.
Tuy nhiên, để người dân tiếp cận được với chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do chuyển đổi số vẫn còn lạ lẫm với người dân, lại chưa có quy chuẩn, quy định cụ thể nên người dân còn lúng túng. Bên cạnh đó, do diện tích canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún nên việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản như áp dụng IoT, cảm biến trong tối ưu hóa hoạt động sản xuất chưa nhiều...
"Chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn, lâu dài mà còn cần nỗ lực của tất cả chủ thể trong chuỗi giá trị. Chuyển đổi số một cách đồng bộ, đáp ứng năng lực, nhu cầu của các chủ thể đang là thách thức không nhỏ…", Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường thông tin.
Để chuyển đổi số hiệu quả, các ngành chức năng cần đồng bộ công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ hợp tác xã sản xuất sản phẩm chủ lực, OCOP lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua các website, mạng xã hội…