nhằm giảm bớt các chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hoá nhóm 2) là sản phẩm, hàng hoá trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.
Hiện nay, các hoạt động công tác kiểm tra chuyên ngành trong thông quan hàng hóa vẫn còn gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp như: Yêu cầu công bố phù hợp quy định; kiểm tra còn chồng chéo; danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn nhiều; chưa đẩy mạnh việc thừa nhận lẫn nhau… Để giải quyết tình trạng đó và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ KHCN đang phối hợp với các Bộ, ngành tích cực triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cụ thể, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để triển khai chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm.
Bộ KH&CN cũng đề nghị các Bộ, ngành chủ động rà soát lại danh mục hàng hóa nhóm 2 và đề xuất loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan thuộc phạm vi quản lý của các Bộ.
Theo thống kê, các Bộ đã tiến hành rà soát, đề xuất cắt giảm hàng hóa nhóm 2. Cụ thể: Bộ Công thương đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 1 nhóm hàng hóa là: Sản phẩm dệt may các loại; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 16 sản phẩm như: Giống cây trồng lâm nghiệp; giống vật nuôi trên cạn; động vật và sản phẩm động vật phi thực phẩm...; Bộ Y tế đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 2 nhóm hàng hóa với 26 sản phẩm; Bộ Xây dựng đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 36 sản phẩm…
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết: “Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành, lĩnh vực sẽ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo về những văn bản dưới luật còn bất cập, chồng chéo, không phù hợp với các Luật chuyên ngành, cần phải bãi bỏ, điều chỉnh hoặc sửa đổi trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.